Kéo và chỉ để bừa ra trong các ngăn bàn rỗng. Cô giáo ngồi trên bục mặt đỏ
gay, gân trán hơi nổi, chưng ra một quyển sách mở in bằng chữ “chính
thống”.
- Thưa ngài thanh tra, các em có hai giờ nữ công mỗi tuần. Cô hiệu
trưởng khoan thai nói bằng tiếng Nga.
Hoóc-no-be bước tới chỗ cô giáo:
- Cô vừa đọc to quyển gì đấy?
- Truyện cổ tích kri-lốp. Hôm nay chúng tôi mới bắt đầu. - Giọng cô
Tup-sa thản nhiên và đôi má cô cũng đã trở lại sắc thái bình thường.
Lơ đãng Hoóc-no-be mở một ngăn bàn gần nhất. Chẳng thấy gì bên
trong. Không một quyển sách, một quyển vở.
Các em cẩn thận đính xong mũi khâu và cái kim vào vải rồi xếp công
việc lại ngồi khoanh tay, im lặng, tất cả đều giống nhau trong trong bộ đồng
phục màu sẫm và cổ cồn trắng toát. Hai mươi lăm khuôn mặt trẻ thơ ấy bỗng
già đi, với một vẻ kín đáo che giấu nỗi sợ hãi, trí mưu mẹo, lòng căm ghét.
Hoóc-no-be nhận cái ghế Tup-sa trao cho, nặng nề ngồi xuống:
- Cô gọi cho tôi một học sinh.
Ma-ni-a ngồi bàn thứ ba tự nhiên quay mặt ra cửa sổ, nét mặt đăm
đăm. Lòng thầm cầu xin: “Lạy Trời, đừng gọi tôi! Đừng, đừng gọi tôi!”
Nhưng lại chắc chắn thể nào mình cũng sẽ được gọi. Đã thành lệ rồi,
mỗi lần có thanh tra chính quốc tới hỏi vấn đáp, bao giờ cô giáo cũng gọi em
học sinh thông thái nhất lớp và tiếng Nga rất giỏi.
Nghe gọi tên mình, Ma-ni-a đứng dậy. Em thấy nóng bừng à không,
lạnh toát cả người. Và thẹn đến chín dừ, cổ họng như tắc lại.
- Đọc kinh. - Hoóc-no-be buông một tiếng, dửng dưng chán chường.
Ma-ni-a đọc một mạch bài kinh “Đức Cha của chúng ta” với một
giọng đều đều. Sa hoàng quả đã không tìm được cách làm nhục quái ác hơn
là bắt các trẻ em Ba Lan hằng ngày đọc kinh Thiên chúa giáo bằng tiếng