trường, nhưng chậm hơn.
Trường trung học, kí túc xá, trường tư thục… mấy tiếng đó luôn quện
lấy tuổi thơ trẻ của Ma-ri. Ông giáo dạy ở trường trung học, Brô-ni-a tốt
nghiệp trường trung học, Ma-ni-a đi học trường trung học, Dô-dếp học đại
học, Hê-la học trường tư thục. Cả đến ngôi nhà mấy bố con đang ở cũng
không khác gì một trường học. Cô chắc hẳn phải tưởng tượng như cả thế giới
là một trường trung học khổng lồ chỉ có thầy và trò mà một lý tưởng là học,
học mãi.
Từ dạo gia đình rời phố Các-mê-lít ảm đạm để dọn sang phố Le-skô.
Vấn đề trọ học cũng đỡ phiền toái một chút. Ngôi nhà đẹp đẽ, kiểu cách, có
một cái sân tịch mịch, chim bồ câu xám gù gù, dây leo hoa tím phủ kín các
bao lơn. Tầng gác trên khá rộng nên mấy bố con ông giáo ở riêng bốn buồng
tách hẳn với đám học sinh trọ học.
Phố Le-skô cũng “ra vẻ” lắm, lòng đường rộng rãi giữa hai dãy nhà
đồ sộ. Không còn thấy lối kiến trúc Xla-vơ độc đáo nữa. Trong khu phố lịch
sự này, cái gì cũng gợi tính cách Tây Âu, từ nhà thờ Tin lành phía trước mặt
đến ngôi nhà nhiều cột hoàn toàn xây theo kiểu Pháp ở phố Ry-man-xca.
Cặp sách đeo gọn sau lưng, Ma-ni-a chạy vội đến biệt thự bá tước
Da-moi-xki, quen gọi là “Lâu đài xanh”. Cô tránh cổng giữa mà đi sang một
cái sân cổ xưa có một con sư tử bằng đồng đen ngồi chồm chỗm như canh
giữ. Bất giác, cô dừng lại, thất vọng. Sân vắng ngắt. Đang định quay ra thì
nghe gọi giật:
- Ma-ni-u-sa, đừng vội đi, Ca-di-a nó đang xuống đấy.
- Ồ, bác đấy ạ, cám ơn bác.
Từ cửa sổ tầng dưới cùng, bà Psi-bô-lốp-xka, vợ ông thủ thư của bá
tước Da-moi-xki có bộ tóc quấn trần đầy bím, trìu mến nhìn cô bé má phính,
đôi mắt tinh anh, thân với con gái mình từ hai năm nay.
- Đến trưa, tan học, cháu về đây ăn bánh. Bác sẽ làm bánh ngọt với
món sô-cô-la đường mà cháu thích.
- Đúng rồi, đằng ấy đến ăn bánh với mình nhé – Ca-di-a chạy vội
xuống cầu thang, khoác tay bạn – Rảo bước lên Ma-ni-a ạ. Muộn rồi đấy.