óng ánh của mụ giám thị.
- Tao cấm mày không được nhìn tao như thế. Cái kiểu đâu như bề
trên nhìn xuống! – Mụ cáu tiết rít lên.
- Nhưng tôi không thể làm khác được.
Một lần không nén được, Ma-ni-a trả lời như vậy, vì cô cao hơn mụ
May-e một đầu.
Không ngày nào không xảy ra đôi co như thế giữa cô học sinh khao
khát tự do và mụ đàn bà khe khắt.
Cơn giông tố dữ dội nhất nổ ra năm ngoái. Đó là lần mụ May-e bất
ngờ bước vào lớp, bắt gặp Ma-ni-a và Ca-di-a nhảy múa vui mừng giữa bàn
ghế đang lúc có lệnh phải để tang Sa hoàng A-lếch-xăng II bị ám sát.
Sự o ép về chính trị có một hậu quả đáng buồn là gây cho lớp người
bị đè nén một tình hình khắc nghiệt. Ma-ni-a và Ca-di-a có một tâm hồn dịu
hiền và tấm lòng quảng đại, nhưng vẫn đôi khi có những cái hằn học xa lạ
với người dân tự do và các cô không thoát khỏi cái luân lý của những người
nô lệ - lấy chống đối làm nết tốt và coi vâng lời là hèn nhát.
Hai cô rất mến thầy dạy toán, ông Glát trẻ đẹp và thầy Xua-xa-ki dạy
sinh vật là những người Ba Lan chân tình. Với thầy người Nga, thái độ của
các cô có nhiều mức độ. Nghĩ gì về ông Mi-li-ê-sin bí ẩn, muốn thưởng học
trò, đã im lặng tặng một tuyển tập thơ Nê-cra-xốp, một nhà thơ cách mạng.
Các nữ sinh ngạc nhiên nhận ra những cử chỉ đoàn kết kín đáo ngay ở phía
hàng ngũ thù địch. Sa hoàng đâu chỉ có những thần dân trung thành!
Lớp học của Ma-ni-a có cả học sinh Ba Lan, Do Thái, Nga và Đức.
Giữa họ, không có gì là xung khắc trầm trọng. Cùng trẻ tuổi, lại cùng đua
nhau học hành, họ tạm lãng quên sự khác nhau về chủng tộc, hoặc về tâm tư.
Nhìn học trò giúp nhau học tập hoặc vui đùa trong giờ chơi thì tưởng như họ
rất hòa thuận. Nhưng khi ra khỏi trường, ai nấy lại quay về với tiếng nói
riêng, lòng yêu nước và tín ngưỡng của mình. Chị em Ba Lan cùng cảnh áp
bức thường đi thành nhóm riêng, dần dà cũng ăn quà trưa chung với nhau,
không thích mời bạn khác đến dự.
Ngoài công viên La-gien-ki mà Ma-ni-a hay lui tới những lúc rảnh