rang thì vườn Xắc-xơ là nơi cô thích nhất ở thành phố quê hương, hàng
nhiều năm nữa cô sẽ mãi gọi là “Vác-xô-vi yêu mến của tôi”.
Qua cổng sắt đôi bạn gái đi dọc theo con đường dẫn đến lâu đài. Hai
tháng trước, ngày nào các cô cũng mang ủng lội vào các vũng bùn lớn cố giữ
sao cho nước chỉ đến cổ giầy, không để ngập hẳn. Nay mùa khô, lại có
những trò khác, đơn giản nhưng cũng làm hai chị em cười chảy nước mắt.
Thí dụ trò miếng “xanh”.
- Có đi mua vở với tao không? – Ma-ni-a thản nhiên hỏi bạn – Có
nhiều quyển vở rất đẹp, bìa “xanh”.
Ca-di-a đã thủ thế rồi. Thoạt nghe tiếng “xanh” cô đã chìa ra một
miếng nhung xanh giấu trong túi. Thế là không thua cuộc. Ma-ni-a làm như
không chơi nữa, lái câu chuyện về bài sử thầy giáo đọc cho chép hôm qua,
nói rằng Ba Lan là một tỉnh, tiếng Ba Lan là một tiếng địa phương và người
Ba Lan vô ơn bạc nghĩa đã làm Sa hoàng Ni-cô-lai I – thật đã yêu họ quá đỗi
– phải buồn rầu mà chết!
- Tuy vậy, lão ta cũng ngượng về những chuyện xằng bậy ấy. Mày có
thấy mắt lão len lét không? Cái mặt trông đến tởm!
- Ừ, mặt lão “xanh lè”. – Ca-di-a thản nhiên nói. Nhưng tức khắc đã
thấy lất phất trước mũi một lá cây dẻ màu xanh non.
Trước mặt đám trẻ đang chơi nhà bằng cát và nhảy vòng, hai cô gái
cười như nắc nẻ. Qua dãy cột thanh thanh của cung điện Xắc-xơ, rồi qua một
quảng trường lớn, Ma-ni-a chợt kêu lên:
- Ta đi qua đài kỷ niệm rồi, phải quay lại thôi!
Không nói một lời, Ca-di-a cũng quành lại.
Hai cô đãng trí đã phạm một lỗi không tha thứ được. Chả là ở giữa
quảng trường Xắc-xơ dựng một cột lưu niệm tráng lệ, với bốn con sư tử đá
chầu bốn bên và mang dòng chữ “chính thống”: “Tặng những thần dân Ba
Lan trung thành với quân vương của mình”. Cái ơn nghĩa này của Sa hoàng
đối với những tên phản bội đã liếm gót kẻ áp bức làm cho những người yêu
nước Ba Lan ghê tởm. Cứ mỗi lần đi qua phố đều nhổ vào đấy, dần dần
thành một truyền thống, ai lỡ quên thì phải quay lại làm đúng thủ tục đó.