Ma-ni-a rùng mình, thẫn thờ trở về nhà; mới lúc nãy còn mơ đến âm
nhạc, đến vũ, bây giờ mấy câu đầu bài địa lý cứ quay tròn trong đầu, không
còn biết chúng nghĩa là gì nữa; trong tâm trí, chỉ thấy khuôn mặt nồng nhiệt
và non trẻ của người thanh niên xấu số rồi thấy giá treo cổ và tên đao phủ.
Tối hôm đó, năm cô gái tuổi đôi bảy, đôi tám không thiết gì đi xem
vũ. Ma-ni-a, Brô-ni-a, Hê-la và hai chị em nhà Ca-di-a đã đến với Lê-ô-ni
Cu-níc-ca thức trắng đêm trong phòng của bạn.
Họ hòa chung nước mắt buồn thương và uất hận. Họ chỉ biết âu yếm
chăm sóc người bạn đang quằn quại đau khổ, lấy khăn ướt chườm đôi mắt
sưng vù, ép bạn uống một ít trà nóng. Thời gian sao trôi quá chậm mà cũng
quá nhanh như vậy, đối với mấy cô gái mà bốn người còn mặc đồng phục nữ
sinh.
Lúc trời hửng sáng ánh bình minh nhợt nhạt rọi vào những bộ mặt
cũng nhợt nhạt là lúc điểm giờ phút cuối cùng của người anh. Họ quỳ tất cả
xuống sàn, trong một lời cầu nguyện cuối cùng và giấu trong lòng bàn tay
những bộ mặt đầy khiếp đảm.
*
* *
Gia đình ông giáo lần lượt nhận một huy chương vàng, hai huy
chương vàng, ba huy chương vàng. Cái thứ ba do Ma-ni-a giành được ngày
12 tháng 6 năm 1883 khi tốt nghiệp trung học.
Hôm đó trời oi bức ngột ngạt. Nghe đọc danh sách các học sinh được
thưởng xong đến diễn văn và nhạc kèn đồng, các thầy giáo lên khen ngợi và
sau đó là cái bắt tay thờ ơ, lỏng lẻo của viên tổng thanh tra giáo dục của Sa
hoàng ở Ba Lan thuộc Nga, rồi Ma-ni-a trịnh trọng cúi chào một lần cuối
cùng.
Một bó hoa hồng nhỏ cài trên chiếc áo lễ phục màu đen theo tục lệ,
cô học sinh tốt nghiệp từ biệt bạn bè tay nắm tay, thề thề thốt thốt là sẽ biên
thơ đều hàng tuần cho nhau. Ôm một chồng sách đồ sộ bằng tiếng Nga – một
phần thưởng mà cô lớn tiếng nói là “ghê tởm” (Ngày học cuối cùng, cần gì),
Ma-ni-a từ giã mãi mãi trường trung học ở đại lộ Vác-xô-vi, khoác tay ông