vũ bắt đầu dưới ánh lửa đuốc. Sau một lúc vui huyên náo, họ lại lên xe, lên
ngựa, đến một nhà khác, rồi một nhà khác nữa, xuyên qua rừng, qua núi.
Đoàn người mỗi lúc đông thêm với những lực lượng mới mẻ. Hết đêm hôm
đó, rồi cả ngày hôm sau, cuộc hành trình đàn hát múa này không lúc nào
gián đoạn và kết thúc bằng một “hội múa” vào đêm thứ hai ở ngôi nhà rộng
nhất trong vùng, vẫn theo tiếng vi-ô-lông dồn dập không biết mệt mỏi của
bốn anh kéo đàn trẻ.
Và giữa những hình tượng múa tuyệt diệu, Ma-ni-a, cô gái khỏe
khoắn hồng hào múa đẹp nhất đêm hôm đó. Trong chiếc áo cánh nhung
ngắn, hai tay bồng bằng lanh mịn, đầu đội một vòng tết bằng bông lúa với
những giây màu sắc sặc sỡ tỏa xuống quanh người, trông cô giống như một
cô gái dân tộc miền núi trong trang phục ngày hội.
Biên thơ cho Brô-ni-a, cô kể lại sự hào hứng của mình:
“Thứ bẩy vừa qua, em lại được tham gia một cuộc vũ trá hình rất
thích thú. Chị biết không, bây giờ em nhảy được điệu dân vũ ô-be-rếch khá
lắm rồi…
Có lẽ không bao giờ trong đời em sẽ lại được hưởng những phút vui
đùa thắm thiết như vậy. Nó để lại trong em một nỗi nhớ nhung da diết. Dì
nói đùa là nếu vài năm nữa, em đi lấy chồng, nhất định sẽ tổ chức cưới theo
phong tục vùng kra-kốp có vũ dân gian và cưỡi xe trượt tuyết, tất nhiên chỉ
là câu đùa, nhưng em cũng rất ưa thích!”
Nhiều năm về sau, mẹ tôi thỉnh thoảng nhắc lại những ngày vui đó
với một giọng dịu dàng và như cam phận. Nhìn khuôn mặt mệt mỏi, hao
mòn sau gần nửa thế kỷ lo âu và lao lực, tôi thầm cám ơn số phận đã dành
cho mẹ nhiều phút êm đềm trước khi quyết định bà phải đi theo một chí
hướng nghiêm nghị và khắc nghiệt.