CHƯƠNG IV
CHÍ HƯỚNG
Sau mười bốn tháng sống ở nông thôn, đến tháng chín, Ma-ni-a trở về
Vác-xô-vi. Lúc này, gia đình cô lại dọn đến gần trường trung học ở phố Nô-
vô-lip-xki, nơi cô đã sống thời thơ ấu.
Vì một thay đổi lớn đã đến gia đình này. Ông giáo tuy vẫn dạy ở trường
trung học, nhưng nay đã có tuổi, nên thôi nhận học sinh trọ học. Từ đây, Ma-
ni-a cùng với bố và anh chị ở một căn nhà nhỏ hơn, thanh bạch hơn. Khung
cảnh và môi trường ấy khêu gợi suy nghĩ và làm việc.
Ai mới gặp ông giáo lần đầu sẽ nghĩ là ông nghiêm khắc, khó gần. Ba
mươi năm trời gõ đầu trẻ ở trường trung học đã tạo cho người đàn ông béo
lùn ấy một dáng đạo mạo, có nhiều chi tiết chứng tỏ đây là một công chức
tiêu biểu: quần áo màu sẫm, luôn luôn chải chuốt, tưởng như không còn
vướng một hạt bụi, cử chỉ điệu bộ chính xác, ưa dùng châm ngôn thị phạm.
Mỗi việc trong đời ông đều có phương pháp, quy củ. Ông đã viết một bức
thư thì câu cú phải gọn gàng, nét chữ nắn nót. Nghỉ hè, nếu định đi tham
quan danh lam thắng cảnh thì từng chi tiết đi đứng phải được xếp đặt từ
trước. Một chương trình tỉ mỉ sẽ lần lượt đưa mấy bố con đến những nơi
đáng xem, rồi vừa đi, ông vừa ca ngợi cảnh đẹp hoặc giải thích ý nghĩa lịch
sử của một công trình kiến trúc. Ma-ni-a không hề để ý đến cá tính đó của
nhà giáo. Cô chỉ càng yêu cha tha thiết.
Đối với Ma-ni-a, ông giáo vừa là cha, vừa là một người thầy thông thái,
uyên thâm. Quả vậy, gần như môn gì ông cũng tỏ ra am hiểu. Ngày nay khó
mà tìm ở một nước Châu Âu, một thầy giáo âm thầm, vô danh, mà hiểu rộng
như thế. Phải tất bật sớm chiều mới lo nổi cân bằng chi thu gia đình, người
cha tần tảo đó vẫn để thì giờ trau dồi kiến thức khoa học qua những sách báo
trầy trật lắm mới có được. Ông nhận thức rõ không những cần học tiếng La
Tinh, tiếng Hy Lạp, mà còn phải biết những bước tiến của hóa học và lý học,
và ngoài tiếng Ba Lan, tiếng Nga còn phải hiểu tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng
Đức. Ông dịch ra tiếng mẹ đẻ nhiều tác phẩm văn thơ ưu tú của nước ngoài.
Ông còn làm thơ, và chép cẩn thận vào một quyển vở bìa đen và xanh,