CHƯƠNG V
CÔ GIÁO
Thư của Ma-ni-a cho em họ là Hăng-ri-ét Mi-khai-lốp-xka:
“Hăng-ri-ét mến yêu!
Kể từ ngày xa rời Hăng-ri-ét, cuộc sống của chị không khác chi một
người tù. Chị đến ở nhà một luật sư B. như em đã biết. Một địa ngục trần
gian mà ngay đối với kẻ tử thù, chị cũng không cầu cho phải đến sống ở đây.
Quan hệ của chị với bà B. đã lạnh nhạt đến nỗi chị không nén nổi nữa và nói
thẳng cho bà ấy biết. Vì bà ta “hâm mộ” chị không kém gì chị “hâm mộ” bà
ta nên đôi bên rất hiểu nhau.
Đây là một trong những nhà giàu mà mỗi bận có khách khứa, người
ta nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp – một thứ tiếng Pháp tồi một cách
kinh khủng. Hóa đơn để đến hằng nửa năm không chịu thanh toán, thế
nhưng họ vẫn tiêu xài như phá rồi lại bủn xỉn như tí dầu đèn. Thuê năm
người làm, rồi ra vẻ tự do, phóng khoáng, nhưng thật ra lại đần độn đến
mức lú lẫn. Ngoài mặt thì giọng ngọt xớt, nhưng lòng độc địa, nói xấu chẳng
từ ai...
Thế là chị hiểu thêm một chút về loài người. Chị nhận ra rằng các
nhân vật miêu tả trong văn học là có thật và mình không nên gần những kẻ
mà giàu sang làm cho vẩn đục đi.”
Bức họa nghiêm khắc, do một con người không có ác ý cho ta thấy
Ma-ni-a còn quá ngây thơ và ảo tưởng. Do ngẫu nhiên vào một gia đình Ba
Lan khá giả, cô những mong gặp những cha mẹ học trò sẵn thiện cảm, những
trẻ nề nếp dễ bảo. Lòng cô chỉ muốn quyến luyến, yêu thương. Sự thất vọng
mới phũ phàng làm sao.
Do đâu mà chí hướng và thiên tài của Ma-ni-a không được phát hiện
sớm hơn? Tại sao người ta không cho cô đi học ở Pa-ri mà lại để cô đi dạy
tư? Muốn trả lời được câu hỏi này, phải nhìn vào phẩm chất cao quý và sự