đến cho Ca-di-a bạn cũ ở trường trung học và cho Hăng-ri-ét, cô em họ mới
lấy chồng ở Lô-vô, một tỉnh nhỏ, và đến giờ vẫn là một con người “thực
dụng” sôi nổi. Ma-ni-a thổ lộ tâm tư, nói ra những thất vọng cùng ước mơ
thầm kín của mình.
Thư cho Hăng-ri-ét, ngày 5 tháng 4 năm 1886.
“Chị sống ở đây như mọi người trong cảnh ngộ này quen sống.
Ngoài việc dạy học, chị cũng học thêm, nhưng không dễ đâu, cứ khách đến
là cả thời khóa biểu trong ngày bị đảo lộn. Nhiều lúc rất bực mình vì con bé
An-gia được thể cứ chơi tràn, mỗi lần ngừng học giữa giờ là không tài nào
bảo nó học lại được. Hôm nay lại có chuyện. Buổi sáng, đến giờ rồi mà nó
lại không chịu dậy. Sau cùng chị phải lẳng lặng cầm tay nó kéo ra khỏi
giường. Trong bụng, mình giận điên lên được. Em không thể mường tượng
những chuyện nhỏ nhặt ấy tai hại như thế nào. Cứ mỗi lần như vậy là chị
mệt hàng giờ. Nhưng mệt thì mệt vẫn phải cương quyết với nó.
Còn khách khứa ấy à? Toàn là kiểu ngồi rỗi lắm chuyện về hàng
xóm, về những kiểu khiêu vũ, hội hè v.v... Nói về khiêu vũ thì khó mà tìm ra
một nơi nào có những cô gái giỏi hơn vùng này. Ở đây, cô nào cũng nhảy
tuyệt đẹp. Họ không phải là những người xấu, có nhiều cô rất thông minh
nhưng không được học hành mở mang trí óc, mà còn bị quá nhiều hội hè
không đâu làm cho phân tán. Còn thanh niên thì chẳng mấy người gọi là
thông minh. Đừng nói đến “thuyết thực dụng” hoặc “vấn đề thợ thuyền” với
trai gái ở đây. Chẳng khác gì nói trước bức vách. Có khi họ còn chưa hề
nghe thấy những chữ đó.
Nếu em biết được chị đi đứng mẫu mực như thế nào! Chủ nhật và
ngày lễ đến nhà thờ đều, không bao giờ vin cớ nhức đầu hay mệt mỏi để ngồi
nhà. Không hề đả động đến vấn đề giáo dục đại học của phụ nữ. Nói chung
trong lời nói, chị luôn luôn giữ đúng cương vị của mình.
Lễ Phục sinh này chị sẽ về Vác-xô-vi vài ngày. Cứ nghĩ đến trước là
lòng lại rạo rực, phải cố kiềm, nếu không đã kêu lên vì sung sướng”.
*
* *
Tuy nói mỉa mai cách “đi đứng mẫu mực” của mình như vậy, trong