ngoài sân, không phiền đến ai cả. Niềm vui lớn và nguồn an ủi chính của chị
cũng là ở mấy em bé đó”.
Thế là Ma-ri-a kèm An-gia học bài, lại dạy thêm cho Brôn-ka và còn
nhắc nhở Giu-lếch mới ở trường trung học Vác-xô-vi về, ngồi học cứ ngủ gà
ngủ gật , chốc chốc lại phải gọi. Vẫn chưa đủ. Việc xong đâu đấy, cô gái
đảm này lên buồng mình, ngóng chờ những tiếng giày ủng nhỏ lẫn với tiếng
chân đất bước lên cầu thang, báo hiệu là học trò đã đến. Cô đã mượn một cái
bàn gỗ bách và mấy chiếc ghế để các em tập viết được thuận tiện. Cô còn
trích tiền để dành ra mua vở và bút mực mà những bàn tay cóng sử dụng rất
khó khăn vụng về. Những lần có bảy, tám em cùng ngồi học ở căn buồng
rộng, tường trát vôi vữa thì cả Ma-ri-a và Brôn-ka phải vất vả mới giữ được
trật tự và giúp những em kém đánh vần chữ khó. Chúng cứ hít ra hít vào, phì
phò đến thiểu não.
Xúm quanh bộ áo màu xẫm và mớ tóc hung của cô giáo Ma-ri-a là
con em các chị đi ở, các tá điền làm rẻ, và công nhân xưởng đường. Chúng
lem luốc, hôi hám. Nhiều em còn chểnh mảng, bướng bỉnh. Nhưng các cặp
mắt trong trẻo đều ánh lên một lòng ham muốn chân thành và sâu sắc là biết
đọc và viết: hai chiến công quá sức tưởng tượng của các em. Và tim Ma-ni-a
se lại, khi thấy mục đích nhỏ bé này đã đạt được, những dòng chữ đen trên tờ
giấy trắng đã có ý nghĩa, trước niềm tự hào hân hoan của con trẻ và sự thán
phục của các cha mẹ không biết chữ thỉnh thoảng đến đứng ở cuối buồng.
Cô giáo trẻ nghĩ đến cái nguồn nghị lực to lớn ấy chưa được sử dụng,
đến những năng khiếu biết đâu còn ẩn nấp trong lớp người mộc mạc chất
phát ấy. Trước biển cả mênh mông của sự dốt nát, cô cảm thấy mình yếu ớt
biết chừng nào, bất lực biết chừng nào.