CHƯƠNG VI
MỘT SỰ NHẪN NẠI LÂU DÀI
Những nông dân tí hon ấy nào có ngờ được rằng “cô Ma-ri-a” đang nghĩ
ngợi chua chát về cái dốt nát của bản thân mình. Chúng có biết đâu chính cô
giáo chúng đang ao ước trở lại đời học trò, không phải dạy mà chỉ được học.
Giờ phút này, trong lúc Ma-ni-a trầm tư nhìn qua cửa sổ vọng theo
những xe bò chở củ cải đỏ đến nhà máy đường thì ở Béc-linh, Viên, Pê-téc-
xbua, Luân-đôn, tại các phòng thí nghiệm, các bảo tàng, các bệnh viện, hàng
nghìn, hàng vạn thanh niên đang được nghe giảng bài, nghe thuyết trình hoặc
làm công việc nghiên cứu. Nhất là ở trường Xoóc-bon nổi tiếng, người ta
đang dạy sinh vật học, toán, hóa, lý cùng xã hội học.
Có thật là một ngày kia, Ma-ni-a sẽ đáp tàu đi Pa-ri, có thể như thế
không? Có thật là cô sẽ được cái hạnh phúc to lớn ấy không?
Ma-ni-a đã không còn mơ tưởng gì đi Pa-ri nữa rồi. Mười hai tháng đầu
của một cuộc sống ngột ngạt ở tỉnh nhỏ đã làm tiêu tan cả hy vọng của cô. Vì
mặc dầu có nhiều ước mơ, hoài bão và đam mê hoạt động trí tuệ, Ma-ri-a
không mảy may là một con người ảo tưởng. Rõ ràng cô đang đứng trước một
hoàn cảnh không có lối thoát. Ở Vác-xô-vi, ông giáo sắp về hưu, sẽ cần
nương tựa vào con gái. Ở Pa-ri, Brô-ni-a còn cần được viện trợ nhiều năm
nữa, trước khi ra đi làm và kiếm được tiền. Và ở Schuc-ki, có Ma-ni-a
Xkhua-đốp-xka làm cô giáo dạy tư. Cái kế hoạch gây vốn, góp ít thành tích
nhiều trước kia tưởng như dễ thực hiện, giờ đây làm cho Ma-ni-a mỉm cười.
Nó trẻ con thật. Đã sa vào một nơi như Schuc-ki, khó lòng mà thoát ra được!
Chúng ta xúc động khi thấy con người thiên tư ấy chẳng phải tuyệt đối
bất khả xâm phạm. Như mọi cô gái ở lứa tuổi đôi mươi, Ma-ri-a cũng có lúc
ủ rũ, đau khổ, chán chường. Chúng ta cũng xúc động khi thấy cô mâu thuẫn
với mình, trong lúc nói là từ bỏ tất cả mọi thứ thì lại phấn đấu mãnh liệt
cưỡng lại cảnh ngộ, không chịu để tài năng của mình bị mai một. Sức mạnh
gì đã thôi thức cô tối nào cũng thức khuya đọc những sách của thư viện nhà
máy, về xã hội học, vật lý học và luôn luôn biên thư cho ông giáo để hỏi