không bao giờ nghĩ đến chuyện này nữa. Nhưng tình yêu cũng như lòng
tham vọng, đâu cứ hạ lệnh là nó khắc phải chết!
*
* *
Làm sao Ma-ni-a có thể quyết định bỏ nhà ông bà Z. mà đi được? Cô
không muốn làm ông giáo lo ngại, nhất là không thể bỏ một chỗ làm lương
cao như thế, giữa lúc Brô-ni-a đã tiêu hết số tiền dành dụm được và đang cần
cô em gái và bố gửi cho tiền học. Hàng tháng Ma-ni-a gửi cho chị mười lăm
rúp, đôi khi hai mươi rúp – non một nửa tháng lương. Vả lại, giữa gia đình
ông bà Z. và cô chưa hề có lời đi tiếng lại gì và cũng chưa ai nói thẳng với cô
về việc này. Ma-ri-a đành ngậm đắng nuốt cay, ở lại Schuc-ki như không có
chuyện gì xảy ra.
Cuộc sống vẫn trôi đều như trước. Cô giáo vẫn ra bài cho An-gia, nhắc
nhở Giu-lêch cứ hay ngủ gật mỗi lần làm việc bằng trí óc. Cô vẫn dạy trẻ em
thôn quê. Cô tiếp tục đọc sách, và còn tự giễu mình, nhún vai trước sự kiên
trì mà cô cho là vô ích đó. Rồi vẫn chơi cờ, đố chữ, đi khiêu vũ, dạo bộ
ngoài trời...
Đau khổ vì tình, thất vọng trong hoài bão học vấn, đời sống vật chất túng
thiếu, vì sau khi giúp hết người này đến người khác thì không còn gì cho bản
thân nữa. Ma-ni-a cố quên đi số phận mình đã sa vào một nơi bùn lầy mà cô
cảm thấy khó lòng ngóc đầu ra khỏi. Cô hướng về gia đình không phải để
cầu cứu mà cũng chẳng phải để thổ lộ niềm chua chát, đắng cay.
Trong mỗi lá thư, cô chỉ biết khuyên lơn, khẩn khoản hiến dâng tấm lòng
thiết tha của mình, những mong sao cha cùng anh chị có một cuộc sống tốt
đẹp.
Thư biên cho ông giáo, năm 1886:
“Xin cha yêu dấu đừng buồn phiền với ý nghĩ là không thể giúp chúng
con. Khó mà tưởng tượng rằng cha còn làm được hơn thế nữa. Chúng con
đã được một nền giáo dục tốt, học lực vững, tính nết chẳng đến nỗi nào. Vậy
xin cha đừng tuyệt vọng. Nhất định chúng con sẽ tự xử được mọi việc. Về
phần con, con muôn đời ghi lòng tạc dạ công ơn của cha yêu dấu đối với
con. Cha đã làm rất nhiều cho chúng con, chỉ buồn là các con chẳng đền