Cố nhiên Ma-ri cũng thuật lại cho cụ giáo buổi dạ hội tại gia đình nhà
điêu khắc và thành công của cô trong vai hoạt tượng “Ba Lan”. Nhưng rồi cô
nhận thức rất nhanh rằng những cuộc vui chơi ấy ảnh hưởng đến việc học tập
của mình nên tìm cách tránh. Phải đâu Ma-ri-a Xkhua-đốp-xka sang Pháp để
đóng các vai hoạt cảnh? Mỗi giây phút không học hỏi là một giây phút mất
đi.
Lại một khó khăn nữa. Ở phố Đức quốc, cuộc sống thú vị và êm đềm
song Ma -ri không tìm được ở đây sự yên tĩnh của tâm hồn. Không thể cấm
anh rể chơi đàn hoặc tiếp bạn bè hoặc cứ đến phòng cô trong lúc cô đang
nghĩ cách giải những phương trình rắc rối. Cũng chẳng ngăn được bệnh nhân
của hai bác sỹ lui tới ồn ào trong nhà. Ban đêm, Ma-ri thường giật mình tỉnh
dậy vì tiếng chuông gọi cửa và tiếng guốc lộc cộc của những người đến mời
Brô-ni-a đỡ đẻ.
Nhưng trước hết, ở cái khu Vi-let này vô cùng là phiền phức: phải
mất một tiếng mới đến được trường Xooc-bon. Và tiền vé hai chuyến xe
hàng lâu dần cũng thành quá đắt.
Ma-ri thấy cần dời ra ở khu La-tinh, gần trường Đại học, gần các
phòng thí nghiệm, các thư viện. Anh chị Du-xki cứ khăng khăng bắt cô cầm
lấy ít tiền chuyển nhà, Ma-ri tự mình đi xem và hỏi thuê những buồng xép ở
sát nóc.
Từ giã ngôi nhà ở cái khu lò lợn này, Ma-ri không khỏi luyến tiếc
khung cảnh bình dị mà đầy yêu thương, dũng cảm và vui tươi. Giữa Ma-ri và
Ca-di-mia Du-xki đã nảy nở một tình cảm anh em ruột thịt gắn bó suốt đời.
Còn với Brô-ni-a những năm vừa qua đã là một thiên tiểu thuyết mỹ lệ về sự
hiến dâng và lòng trung hậu, về tinh thần tương trợ chân thành, thân thiết.
Mang bụng khệ nệ, Brô-ni-a ân cần gói ghém mấy thứ quần áo và đồ
dùng sơ sài, tiều tụy của đứa em gái út, tất cả chất gọn trong một chiếc xe
người kéo. Và một lần nữa, hai vợ chồng chị lại mua vé tầng thượng trên
những chuyến xe khách nổi tiếng một thời để long trọng tiễn chân Ma -ri đến
chỗ ở sinh viên của cô.