CHƯƠNG IX
BỐN MƯƠI RÚP MỘT THÁNG
Phải, đời Ma-ri chưa đến nỗi nghèo túng xác xơ! Mấy tháng sống ở
phố Đức quốc mới là một chặng đường thích nghi. Từ nay, cô gái sẽ dần dần
dấn mình vào cảnh cô quạnh. Đối với Ma-ri, những người cô thường gặp
hàng ngày giờ đây chẳng khác gì những vách tường cô vẫn đi chạm phải. Cô
tự giam mình vào im lặng và họa hoằn lắm mới chào hỏi vài lời. Trong suốt
ba năm tới đây, Ma-ri sẽ sống một cuộc sống hướng vào một việc duy nhất
là học tập. Một cuộc sống như cô vẫn hằng mơ ước, một cuộc sống toàn
thiện theo kiểu những người đi tu, những giáo sĩ.
Vả lại hoàn cảnh thực tiễn buộc Ma-ri phải sống thật giản dị, khắc
khổ. Từ khi thôi không ăn ở tại nhà anh rể Du-xki, Ma-ri phải tự trang trải
mọi chi tiêu. Thu nhập của cô – do tiền dành dụm từ trước đem chia thành
từng khoản cộng với những số tiền nho nhỏ thỉnh thoảng cha gửi cho – thu
gọn trong bốn mươi rúp mỗi tháng.
Làm thế nào mà một người phụ nữ, một người nước ngoài có thể
sống tươm tất ở Pa-ri năm 1852 với bốn mươi rúp mỗi tháng, nghĩa là
khoảng ba quan một ngày, mà phải chi bao nhiêu thứ, tiền nhà, tiền ăn, may
mặc, tiền sách vở và học phí đại học. Đó là bài toán cần phải giải. Nhưng có
lần nào Ma-ri lại không tìm ra lời giải cho một bài toán?
Không riêng gì Ma-ri mà nhiều chị em Ba Lan khác cũng nghèo như
vậy, cũng phải sống với vẻn vẹn một trăm quan một tháng. Họ họp nhau lại
thành từng nhóm ba, bốn người ăn chung, ở chung một buồng. Ai ở riêng
thường cũng bỏ mấy giờ mỗi ngày tự nấu lấy ăn và khâu vá lấy quần áo,
khéo sắp xếp vẫn có thể ăn no, mặc ấm và khá lịch sự là khác. Xưa kia, Brô-
ni-a đã từng làm như vậy và chị đã từng nổi tiếng một thời ở khu La-tinh về
tài nấu nướng.
Ma-ri chẳng thiết gì theo những gương khôn ngoan ấy. Cô cần yên
tĩnh hơn cả nên không thuê chung buồng với ai. Chỉ tha thiết muốn làm việc,
cô chẳng còn đâu thì giờ nghĩ đến tiện nghi bản thân. Mà giá có muốn cũng