Những từ này không được thông dụng lắm, thế nhưng mẹ muốn tố cáo
chủ nghĩa khoan hòa chế ngự trong trường học, được nuôi dưỡng bởi sự
chậm trễ trong phán xử của phần đông các giáo viên. Đây không phải là
chuyện của riêng ai. Có những thầy cô tuyệt vời. Nhưng khi ta vấp phải sự
thờ ơ của những người có trách nhiệm, sự bất động của chính quyền, vấp
phải chủ nghĩa nghiệp đoàn của các đồng nghiệp, thì rốt cuộc ta để cho
thuyết định mệnh choán lấy.
Đúng thế, các học sinh khi vượt khỏi những quy định kỷ luật đều nghĩ
rằng chúng được quyền làm mọi thứ. “Nhưng cá nhân tôi có thể làm được gì
đây” - các giáo viên tỉnh mộng tự hỏi - “nếu như hội đồng kỷ luật thì hiếm
hoi và không có các hình phạt đặc biệt?”
Khi một đứa trẻ bị các bạn cùng lớp ngược đãi đến nỗi tự cô lập mình,
đến nỗi từ chối đến trường, đến nỗi tự bỏ học, thì có hai giải pháp: đi phản
ánh, điều này có nguy cơ kích thích sự thù nghịch của những đứa khác, hoặc
im lặng. Trong trường hợp này, nguy cơ rất lớn như chạy trốn, tự vẫn, giống
như con, hoặc quay lưng lại trường học, bị “trượt dài”, như người ta ngày
nay thường nói và làm ra vẻ như đó là một tệ nạn hiện đại bất chợt đến từ
đâu không ai biết vậy.
Thế đấy Marion, con lẽ ra cũng nên để “trượt dài” thì hơn. Nhưng con
lại là một học sinh quá ngoan. Con không muốn mất thì giờ của mình lẫn để
bố mẹ thất vọng.
Tóm lại, một cách rõ ràng, chính nạn nhân mới là người phải biến đi,
chính các bậc cha mẹ mới phải xoay xở để tìm ra một trường tư, hoặc phải
chuyển nhà. Hệt như trong các khu chung cư hoặc các khu phố dân dã. Mẹ
biết mẹ đang nói về chuyện gì, mẹ đã lớn lên trong các khu như vậy. Chính
bạn làm việc cực nhọc như một con chó để trả tiền thuê nhà và chính bạn
phải bỏ nơi đó mà đi nếu như không còn chịu nổi đám người tụ tập quanh
quẩn khu chung cư hay buôn bán thuốc phiện, hút chích trong các tầng hầm
và coi thường con cái của bạn nếu như không làm như chúng. Biến đi, mày
đang ở trong vùng không-luật-pháp rồi đấy!