tháng sau khi gửi đi, đã bị tờ "Người bạn của thiếu niên" gửi trả lại. Thư trả
lời từ chối viết khéo quá đến nỗi gã còn thấy có cảm tình với ông chủ bút.
Nhưng gã không có cảm tình đối với ông chủ bút của tờ "Người quan sát
San Francisco." Sau khi đợi suốt hai tuần, Martin đã viết thư cho ông ta.
Một tuần sau gã lại viết một bức nữa, đến cuối tháng thì gã sang bên San
Francisco và thân đến tòa soạn gặp ông ta. Gã không được gặp con người
quí hóa ấy, vì thằng bé gác cổng nhãi ranh tóc đỏ, như chó Cerberus 1
không cho gã vào. Vào cuối tuần thứ năm, gã nhận được, qua bưu điện tập
bản thảo, không có bình luận gì cả. Không có thư từ chối, không có giải
thích, không có gì hết. Những bản thảo khác gửi cho các tờ báo lớn ở San
Francisco cũng cùng chịu chung một số phận. Khi họ gửi trả, thì gã lại gửi
cho các tạp chí khác ở miền Đông. Lần này chúng bị trả về sớm hơn, bản
nào cũng có kèm theo một bức thư từ chối in cẩn thận.
Những truyện ngắn cũng bị gửi trả về theo cái lối như thế. Gã đọc đi
đọc lại, thấy rất thích chúng, đến nỗi không thể hiểu được nguyên nhân tại
sao chúng bị ném trả lại như vậy, cho đến một hôm gã đọc thấy trong một
tờ báo mới vỡ lẽ ra rằng tất cả bản thảo đều phải đánh máy. À ra thế. Tất
nhiên là các ông chủ bút đều rất bận không có thì giờ và hơi đâu mà đọc
các bản thảo viết tay. Martin thuê một cái máy chữ, và mất cả một ngày để
nắm thạo cách đánh máy. Hàng ngày gã đánh máy tất cả những gì sáng tác
được, và gã đánh gấp tất cả những bản thảo trước đây, ngay sau khi chúng
bị gửi trả lại. Gã rất ngạc nhiên khi thấy những bản đánh máy cũng bắt đầu
quay về. Quai hàm gã hình như bạnh ra hơn, cằm gã nhô ra có vẻ thách
thức hơn, và gã lại gửi những bản thảo cho các ông chủ bút khác.
Gã có ý nghĩ rằng gã đã là một nhà phê bình không vô tư đối với tác
phẩm của gã chăng. Gã thử nhờ chị Gertrude. Gã đọc to những truyện của
gã cho chị nghe. Mắt chị long lanh, chị nhìn gã kiêu hãnh, nói:
"Em viết được những truyện đó, thật hay quá!"