"Con ong," một tờ nguyệt san vào loại huênh hoang đã có một thời tiếng
tăm lừng lẫy nhờ cái anh nhà báo tài ba sáng lập ra nó. Nhưng tiếng tăm
của tờ "Con ong" cũng đã mờ đi từ lâu trước khi Martin ra đời. Lão chủ bút
hứa sẽ trả cho Martin mười lăm đô la về bài thơ, nhưng khi đã đăng rồi thì
hình như lão ta quên khuấy đi mất. Nhiều thư của gã bị lờ đi. Gã tống thêm
một bức nữa, lời lẽ thậm tệ. Lần này thì gã nhận được thư trả lời. Nhưng đó
là của một tay chủ bút mới; hắn rất lạnh lùng báo cho Martin biết là hắn
không chịu trách nhiệm gì về sự sai lầm của lão chủ bút trước, và theo ý
hắn thì bài thơ "Nàng tiên và viên ngọc" không có giá trị gì lắm.
Nhưng tàn ác nhất là cách đối xử của tờ "Quả địa cầu," một tạp chí ở
Chicago. Martin đã cố giữ lại tập "Những bài ca về biển" cho đến tận khi
túng đói quá không dừng được, gã mới gửi đi. Sau khi bị hàng chục tờ tạp
chí quăng đi trả lại, nó mới nằm yên ở tòa soạn tờ "Quả địa cầu." Tập thơ
gần ba mươi bài, và gã sẽ được trả mỗi bài một đô la. Tháng đầu, bốn bài
được đăng, và ngay sau đó gã nhận được một tấm ngân phiếu bốn đô la.
Nhưng khi xem đến tờ báo, gã hết sức kinh ngạc vì thấy những bài thơ bị
cắt xén một cách tàn bạo. Một vài bài bị đổi cả nhan đề, thí dụ bài "Hết" bị
đổi là "Kết thúc." "Bài ca của tảng đá ngầm ngoài khơi" bị đổi là "Bài ca
của đá san hô." Có một trường hợp nhan đề bị thay đổi hoàn toàn bằng một
cái tên khác không thích hợp gì. Bài thơ nhan đề là "Ánh sáng của
Medusa," lão chủ bút khi đưa in đã chữa là "Con đường phía sau." Nhưng
sự cắt xén chính những bài thơ mới thật là kinh khủng. Martin rên lên, mồ
hôi toát ra, gã vò đầu bứt tóc. Nhiều câu, nhiều dòng, nhiều đoạn bị cắt xén,
thay đổi hay sắp xếp lại một cách hết sức kỳ quái không thể nào hiểu nổi.
Có những dòng, những đoạn của gã bị thay hoàn toàn. Gã không thể tin
được rằng một người chủ bút có lương tri lại có thể có một cách xử sự tàn
ác như thế; và giả thiết mà gã cho là đúng đắn nhất là tập thơ của gã đã bị
thằng bé chạy giấy của tòa soạn hoặc thằng cha ghi tốc ký sửa chữa làm sai
lạc đi. Lập tức, gã viết thư cho tòa soạn yêu cầu không được tiếp tục đăng
nữa và gửi trả lại gã tập thơ ngay. Hết thư này đến thư khác, hết van nài,
cầu khẩn lại đe dọa, thư gã vẫn bị lờ đi. Tháng này qua tháng khác, việc cắt