thấy tất cả những cái đẹp đẽ nhất mà địa vị xã hội của họ có thể tạo ra
được, nhưng những cái đó không gây cho gã một ấn tượng gì. Tuy gã chỉ là
một kẻ nghèo nàn, một kẻ nô lệ của bọn cho vay lãi, nhưng gã tự thấy còn
hơn những người gã thường gặp ở nhà Morse này. Và khi nào bộ quần áo
sang trọng duy nhất của gã được chuộc về thì gã lại đi trong đám người ấy
như một ông hoàng cũng run lên với ý nghĩ mình bị sỉ nhục, giống như cảm
nghĩ của một ông hoàng bị buộc tội phải cùng chung sống với bọn chăn dê.
"Ông căm ghét và sợ những người theo chủ nghĩa xã hội," gã nhận xét
nói với ông Morse vào một buổi tối, lúc bữa ăn. "Nhưng tại sao thế? Ông
không biết gì về họ mà cũng không biết học thuyết của họ cơ mà?"
Chính bà Morse đã đưa câu chuyện đến chỗ đó, vì bà đã ca ngợi
Hapgood một cách quá đáng nghe phát tức. Martin rất ghét anh chàng thủ
quỹ ngân hàng này và khi nào có chuyện gì dính đến cái anh chàng nói
năng tầm thường ấy là gã dễ nổi nóng.
"Vâng," gã nói. "Ông Charley Hapgood thuộc vào cái loại mà người ta
thường gọi là người trẻ tuổi đang lên - có người đã nói với tôi như vậy. Kể
ra cũng đúng. Rồi đây trước khi hết đời, ông ấy sẽ xoay sở nhảy lên cái ghế
thống đốc, và biết đâu có thể sẽ nhảy vào thượng nghị viện nước Mỹ này
không chừng."
"Cái gì đã làm cho ông nghĩ như vậy?" Bà Morse hỏi.
"Tôi đã được nghe ông ấy diễn thuyết trong một cuộc tranh cử. Nó
ngớ ngẩn một cách kỳ lạ và không có một chút độc đáo, ấy thế nhưng vẫn
có sức thuyết phục, khiến các ngài lãnh tụ không thể nào coi ông ta là
người chắc chắn đáng tin cậy; còn những cái tầm thường thấp kém của ông
ta thì cũng y như những cái tầm thường thấp kém của một cử tri bình
thường... Ồ phải, bà biết đấy, đem thêu hoa dệt gấm những ý nghĩ riêng của
một người nào rồi trình bày lại cho người đó hay cũng là một cách nịnh
khéo đấy."