cái đạo đức của những người xung quanh; đó là mớ hỗn độn đủ tiền tài,
siêu hình, tình cảm sướt mướt và thói bắt chước lẫn nhau.
Một trong những cái mớ kỳ quái ấy, gã thấy ở gần, ngay trong gia đình
gã. Em gái gã, Marian thường đi lại với một anh chàng thợ máy người Đức,
trẻ tuổi, cần cù. Sau khi đã học thạo nghề, anh ta bỏ vốn ra mở một cửa
hiệu sửa chữa xe đạp. Sau đó lại đứng làm đại lý cho một hãng xe loại
thường, anh ta làm ăn phát đạt. Cách đây ít bữa, Marian đến tận chỗ Martin
để báo cho anh trai biết hai người đã chính thức đính ước với nhau. Hôm ấy
cô vui vẻ xem tướng tay cho gã. Lần sau, cô dẫn cả Hermann von Schmidt
theo. Martin đón tiếp rất trang trọng và chúc mừng hai người, nhưng lời nói
của gã dễ dàng quá, lịch sự quá khiến người yêu của cô em gái vốn là người
đầu óc quê kệch cảm thấy khó chịu lắm. Cảm tưởng xấu ấy lại càng tăng
lên khi Martin đọc to mấy đoạn thơ gã làm để ghi nhớ ngày Marian đến
thăm gã lần trước. Đó là một vài thơ vui, nhẹ nhàng, tế nhị mà gã đặt tên là
"Người xem tướng tay." Nhưng khi đọc xong, gã rất ngạc nhiên thấy trên
nét mặt Marian không có ý gì là vui vẻ cả. Cô ta lo lắng nhìn người chồng
chưa cưới của mình; Martin nhìn theo và thấy lộ rõ trên nét mặt không cân
xứng của anh chàng chỉ có vẻ không tán thưởng, bực bội và khó chịu. Sự
việc qua đi; hai người xin phép ra về sớm, và Martin cũng quên ngay
chuyện đó, tuy lúc bấy giờ gã rất ngạc nhiên thấy có một người đàn bà dù
người ấy thuộc giai cấp công nhân đi nữa - lại không thấy thích thú và sung
sướng khi được người ta làm thơ về mình.
Mấy hôm sau, vào một buổi tối, Marian lại đến thăm anh, nhưng lần
này đi có một mình. Cô ta không để mất thì giờ, mà đi thẳng ngay vào vấn
đề, cô buồn rầu trách gã về việc gã đã làm.
"Sao, Marian?" Gã cự lại. "Em nói như thể em thấy xấu hổ về bà con
họ hàng của em, xấu hổ về anh trai của em... "
"Em xấu hổ thật đấy," cô nói tuột ra.