mới. Ông ta thường cưỡi ngựa đi sang khu dân chăn cừu bên cạnh, báo cáo
tình hình và quát tháo với cấp trên qua máy vô tuyến điện.
Ờ, ờ, thế mà tôi cứ tưởng là cả một vùng khai hoang, cả một quy mô
rộng lớn; vả chăng mọi sự đều tại thầy dậy sử Anđiarôv của chúng tôi cả.
Chính thầy đã tô vẽ vùng Anarkhai ra cho lũ học sinh chúng tôi: “Một dải
thảo nguyên ngải mọc tốt tươi hàng bao nhiêu thế kỷ chưa có vết chân
người, chạy dài từ cao nguyên Kurđai cho đến tận những bãi cói ở hồ
Bankhas! Tục truyền rằng thuở xưa đã có hàng đàn ngựa bị lạc trong các
ngọn đồi ở Anarkhai và mất tích, rồi về sau những bầy ngựa đã trở thành
thú hoang còn rảo vó qua lại mãi... Anarkhai đã im lặng chứng kiến bao
nhiêu thời đại trôi qua, đó là sa trường của những trận đánh oanh liệt, nơi
chôn rau cắt rốn của các bộ lạc du dân. Nhưng ngày nay cao nguyên
Anarkhai sẽ phải trở thành một vùng chăn nuôi hết sức phong phú...” Và cứ
đại loại như thế...
Lúc bấy giờ nhìn vùng Anarkhai trên bản đồ chỉ bé bằng bàn tay kể cũng
hay hay. Còn bây giờ thì sao? Từ sáng tinh mơ tôi đã phải đánh chiếc xe
chở nước ngu xuẩn này đi khắp chỗ nọ chỗ kia. Tối đến, chật vật lắm mới
tháo được con ngựa ra khỏi xe và cho nó ít cỏ khô ép lại đã chở đến đây
bằng xe hơi. Sau đó tôi ngồi ăn thứ gì đó do chị cấp dưỡng Alđây đưa cho,
không còn biết ngon miệng chút nào, và lăn vào lều ngủ say như chết.
Nhưng nói rằng Anarkhai là một dải thảo nguyên ngải mọc tốt tươi thì
quả không sai. Có thể lang thang hàng giờ ở đây mà ngắm cảnh đẹp, nhưng
làm gì có thời giờ mà đi.
Mọi sự có lẽ cũng chẳng sao, duy có mỗi một điều tôi không hiểu nổi là
sao tôi không vừa mắt được Abakir, tôi có tội tình gì mà hắn thù ghét tôi
đến thế? Giá trước kia tôi biết được những gì chờ đón tôi ở đây... Tôi sẵn
sàng chịu đựng mọi khó khăn của thiên nhiên. Tôi đến đây có phải để chơi
đâu. Nhưng về những con người sẽ cùng sống và cùng làm việc với tôi thì
không hiểu vì sao tôi lại chẳng hề nghĩ đến, đâu mà chẳng là người?..