Hồi lâu sau, anh mới lẩm bẩm: “Cầm tâm tức Thiên tâm. Khi Bá Nha gảy
khúc ‘Cao sơn, Lưu thủy’, tâm của ông ấy chính là Thiên tâm. Thứ có thể
tĩnh mà lại cao, là núi; thứ có thể động, và trải dài, ấy là dòng sông; thứ bên
trên núi, vách của nước, đều là Thiên…”
Kể từ đó Nhạc Chí Hòa và Cổ Nhi Phong trở thành đôi bạn vong niên,
cầm nghệ của anh cũng được nâng lên tầm cao mới.
Sau đó Nhạc Chí Hòa gặp nhóm tài tử Giản Trang, luận bàn tri thức
đạo nghĩa, anh càng thêm thấm thía cầm lý của Cổ Nhi Phong cùng hòa
hợp với lạc đạo
của Nho học. Niềm vui của Nho gia nhằm hài hòa cõi
tâm, tìm đến sự cân bằng thỏa đáng, đỉnh cao của nó là cảnh giới Thiên địa
nhân hòa, chim bay cá nhảy, vạn vật phồn thịnh.
Nhất là khi nghe Giản Trang kể về lời dạy của thầy Trình Di: ‘Đạo của
giới tự nhiên tồn tại ngay trong mọi việc thường ngày’, thì Nhạc Chí Hòa
khi gảy đàn cũng như khi lau bàn ghế, quét nhà… đều chân thành tĩnh tâm
để cảm nhận nhịp điệu và tiết tấu động tĩnh tiến thoái trong đó.
Nhưng mấy hôm nay cõi tâm của anh xáo trộn khó bề an định. Anh
dừng tay, nhìn ra mặt sông. Con thuyền chở khách từng chứa thi thể Lang
Phồn đã bị kéo đi, chỉ còn lại dòng nước vẫn chầm chậm trôi đi. Kinh thành
rộng lớn nhường này có hàng triệu dân, chỉ có Đông thủy bát tử khiến anh
tâm đầu ý hợp và tĩnh tâm, nay đã mất đi một thậm chí là hai trong số đó…
Nhạc Chí Hòa thở dài thườn thượt, rồi lại làm tiếp, nhưng anh bỗng
nhìn thấy Triệu Bất Vưu bước vào.
• • •
Triệu Bất Vưu mấy hôm nay tâm trí cũng rối bời, nhưng anh cũng hiểu
rằng Tâm phải tĩnh thì Lý mới sáng, huống chi vụ án này liên quan rất
rộng… anh bèn điều chỉnh hơi thở để suy nghĩ được mạch lạc.
Đêm qua Cố Chấn sai Vạn Phúc đem đến hai thứ tìm thấy trong người
gã Cốc Nhị Thập Thất đã uống thuốc độc tự tử: một mảnh vải, và một cái
lọ sứ.