Lúc này nắng thu hoe vàng, trời xanh như ngọc, Tống Tề Dụ mừng rõ
mở thư xem, nhưng xem xong anh lại thẫn thờ bâng khuâng, lòng se lạnh
như khi mưa thu đang rả rích. Thì ra không chỉ anh nhớ nhung da diết mà
Liên Quan cũng rất hoài niệm lần gặp gỡ trò chuyện trên con thuyền ấy.
Ngẫm nghĩ cảm nhận ý tứ lắng sâu trong câu chữ và sự nuối tiếc man mác
dưới ngòi bút, “hồ nước bịn rịn biết bao tình”, anh vừa được chút an ủi lại
vừa buồn bã, lòng anh bỗng trào dâng nỗi tiếc thương vô hạn.
Liên Quan không thể như anh, anh còn được giao du kết bạn, thoải
mái trò chuyện, có thể đi khắp đó đây, còn Liên Quan chỉ có thể lặng lẽ
sống trong khuê các kín đáo mà luyến tiếc cho thời gian trôi đi trong vô
tình. Chắc chắn nàng nhớ nhung khó bề kìm nén nên mới vượt qua lễ giáo
để gửi thư như thế này. Cuối thư viết “đừng gửi thư trả lời” thì lại khiến
anh nghẹn ngào thương cảm khôn nguôi. Kể cũng phải thôi, sống trong
khuê các, đâu có thể tùy ý thư tín qua lại với nam giới? Nhưng ít ra cũng
nên cho anh biết họ tên, thân thế mới phải? Như thế này thì vẫn là vô ảnh
vô hình, nhớ mong qua thinh không, càng khiến anh bồn chồn khắc khoải
hơn cả đối thoại qua ô cửa sổ trên thuyền lúc canh khuya!
Còn mấy chữ “xa ngàn dặm”? Hay là phụ thân của Liên Quan bị điều
đi châu khác nhậm chức? Tống Tề Dụ vội hỏi người gác cổng trường, anh
ta nói người đưa thư đến là một nam trung niên nói giọng Kinh - Hồ, trông
có vẻ là nhà buôn, chỉ nói là chuyển hộ thư rồi đi luôn.
Ở kinh đô đã khó tìm, huống chi ở châu quận khác? Cả nước có 24 lộ,
242 châu, 34 phủ, 52 quân, biết đi đâu mà tìm?
Nhưng anh không chịu dừng lại, anh tiếp tục nhờ bạn đến bộ Lại để
tìm danh sách các Viên ngoại lang họ Trương và họ Chương, có vài chục
vị, trong đó, một nửa trong đó là người có con gái, nhưng cái họ tên và
ngoại hình Liên Quan thì anh mù tịt, tiếp tục dò hỏi cũng vô ích, anh đành
bó tay.
Hai tháng sau, anh lại nhận được thư của Liên Quan, vẫn ngắn gọn
mấy câu hỏi thăm, nhung nhớ, và lại kèm theo một bài Từ với nét chữ mềm
mại, ngôn từ trang nhã, khiến anh ngâm đi ngâm lại và bâng khuâng mãi…