Kể từ đó, cứ cách một hai tháng anh lại nhận được thư của nàng nhưng
vẫn không biết họ tên, gia thế, và vẫn không thể giáp mặt và hỏi ra người
đưa thư là ai.
Tống Tề Dụ vốn tính nhẹ nhõm không vướng bận, dù chuyện lớn đến
mấy cũng có thể cười xòa cho qua nhưng đối với Liên Quan, lòng anh lại
trĩu nặng bao vấn vương, những lúc vắng vẻ, anh không sao nén nổi thở dài
não nề.
Trong bâng khuâng sầu muộn, anh viết bài Từ theo điệu “Ngu mỹ
nhân”, nhưng chẳng biết sẽ gửi đi đâu.
Thuyền nhẹ không chở khách tương tư, biển xanh sau cạn kiệt.
Một vang trăng sáng giữa hai trái tim, quạnh hiu bên cửa sổ cùng thu lạnh
xa ngàn dặm.
Đã biết nhau, cớ sao thở than duyên không bén, khiến người phải hoài
niệm khôn cùng. Giang hồ đến đây gặp đỉnh non xanh, vượt ngàn núi ngàn
sông cũng coi thường.
• • •
Từ khi nhà Tống khôi phục chế độ khoa cử, kinh thành rất thịnh hành
trào lưu “xem bảng chọn rể hiền”. Mỗi lần yết bảng, các nhà quan to hay cự
phú nếu có gái chưa gả chồng đều đến hoàng thành tranh nhau giành tiến sĩ
tân khoa về làm rể, nhưng đa số các tiến sĩ lại xuất thân bần hàn - đây chính
là liên kết giữa tài năng và tiền tài, giữa phú và quý. Nhất là từ khi thi hành
“Tam xá pháp” xếp hạng học lực của các Thái học sinh, thì có thể từ đó dự
đoán được vị trí của họ trong đợt Điện thí sau này, cho nên các nhà giàu
sang lại có trào lưu “nhắm trước chàng rể”, để cho “chắc ăn”.
Tống Tề Dụ kể từ ngày vào trường Thái học luôn được đánh giá rất
cao, khi anh được xếp hạng số 1 ngoại xá rồi thăng vào nội xá, thì rất nhiều
gia đình quan lại phú thương cử người mai mối đến “dạm hỏi”; Thái sư Sái
Kinh và Trịnh Cư ở Viện khu mật cũng trong số đó. Tống Tề Dụ vốn giỏi
ứng phó để hóa giải mọi việc, đương nhiên không thể tùy tiện chọn vợ, nên
anh tìm cách khéo léo từ chối.