Vạn Phúc tiếp tục nói: “Thuyền biến mất rồi, xuất hiện một bạch y đạo
sĩ lướt trên mặt sông, người ta gọi là thần tiên. Lại có một bức gấm viết tám
chữ…”
“Chữ gì?”
“Thiên địa thanh minh, đạo quân thần thánh.”
“Thế ư?” Triệu Bất Vưu vẫn im lặng ngẫm nghĩ.
“Mời Triệu tướng quân cứ sang đó trước. Đại nhân nhà tôi sai tôi vào
thành tìm thêm người…”
• • •
Triệu Bất Vưu và cậu em đi về phía cầu vòm, dọc đường, dân chúng
đang rất xôn xao hỗn loạn. Hoặc kêu thét gọi nhau, hoặc chụm đầu bàn tán,
đủ thứ âm thanh: “tôi mở to mắt nhìn thì con thuyền đã biến mất”, “thần
tiên giáng trần, trời ban điềm lành”, “thiên địa thanh minh đạo quân thần
thánh, tức là nói về nhà họ Triệu
thời nay phải không?”, “thời buổi này
thì thanh minh trong sáng cái nỗi gì? Nói ngược rồi!”, “đã sang tháng ba,
đâu còn hoa mai chứ?”
Hai anh em vừa nghe vừa bước lên cầu. Triệu Bất Vưu vô tình ngoảnh
nhìn, thấy đầu cầu phía đông có người đang ngồi bên bàn trà, người ấy mặt
tròn, mắt to, môi dày, đó là Sử Lý Nghiễm - quan Lệnh sứ miền bắc của
Khu Mật viện. Ông ta đang chớp mắt, cúi lưng, tươi cười bàn bạc gì đó với
người đang ngồi đối diện: một nam trung niên râu rậm, mặc thường phục,
Triệu Bất
Vưu không biết là ai. Nghe Sử Lý Nghiễm nói xong, ông ta cười, gật
đầu, rồi lớn tiếng nói: “Như thế chẳng phải rất vui hay sao?” Tuy đứng xa
nhưng Triệu Bất Vưu vẫn nghe thấy rõ, giọng nói hơi kỳ lạ, không trầm trồ
như người Hán, mà giống như cách nói của người Cao Ly
mới học tiếng
Hán. Anh đã nhớ ra: Khu Mật viện hiện đang tiếp đãi sứ giả Cao Ly, chắc
người râu rậm kia là sứ giả Cao Ly, và Sử Lý Nghiễm đang đưa ông ta đi
ngắm cảnh sông dịp thanh minh.