niệm cho mình thì thôi nhưng ông ta lại ép người khác làm theo, thì không
phải là điều tốt lành gì nữa; nếu tự cảm thấy đó là sự khổ cực và không
muốn niệm nhưng lại ép người khác niệm, thì đó là làm điều ác.”
“Chúng ta được giáo dục phải trung, hiếu, nhân, nghĩa, lẽ nào đó là
sai?”
“Nói về Nhân, nếu lòng ta nhân từ thì đương nhiên không sai, nhưng
khi thấy có kẻ cầm dao giết người, thì anh nên nhân từ với ai?”
“Đương nhiên là với người bị giết.”
“Nếu người bị giết là kẻ ác, kẻ cầm dao là người tốt, anh ta giết người
do buộc phải tự vệ, thì sao?”
“Hề hề… anh lại bắt bí tôi rồi.”
Triệu Bất Vưu mỉm cười: “Không phải thế! Gốc rễ của Thiện là đề tài
rất khó lý giải. Khổng Tử nói vì mình, vì người khác… cũng là nói về điều
này. Nghe người khác nói, nếu ta không nghĩ kĩ rồi cứ hì hục làm theo, đó
là vì người khác. Kẻ vì người khác, chỉ nghe nói chữ Thiện, đa số người
làm việc thiện là nhằm để cho thiên hạ xem, nếu họ xem và khen ngợi, thì
thấy vui, nếu họ không xem và tán thưởng, thậm chí trách mắng thì lại tức
tối, oán hận họ, Như thế thì không nên làm việc thiện còn hơn.”
“Nếu vì mình thì sao?”
“Dù người khác nói thế nào, mình cũng phải suy nghĩ kỹ, xác định
đúng là thật, thì hãy hành động - đó là vì mình. Những người này, dù thiên
hạ có nhìn thấy mình làm hay không, có tán thưởng hay không, họ vẫn
hành động vì mình cho là tốt đẹp, họ cảm thấy yên tâm vui vẻ. Đây là điều
mà Khổng Tử nói: ‘bất cải kỳ lạc’ -không thay đổi niềm vui mà ta có.”
“Nói thế thì đúng là tôi đã lĩnh hội nhầm. Có điều, như anh nói, thì sẽ
đi đâu để tìm thấy cái Thiện thực sự?”
“Là bản tâm.”
“Phải làm gì để tìm thấy bản tâm?”
“Không cần đi tìm, anh chỉ cần gạt bỏ mọi thành kiến về thiện ác, mọi
quan niệm về được mất thì tự nhiên bản tâm sẽ xuất hiện.”
“Anh đã tìm thấy rồi à?”
“Lúc mờ lúc tỏ.”