Kinh và tiếp tục thi hành tân pháp. Điện thí lần này, thiên tử đích thân ra đề
văn sách, chứng tỏ hình như ngài đã thất vọng đối với tân pháp và lại tìm
kiếm sự chiết trung dung hòa tân pháp cựu pháp. Năm nay lại tổ chức khoa
cử theo lối cũ, là biểu hiện đầu tiên.
Tống Tề Dụ trước sau như một luôn tin tưởng vào tân pháp. Những
năm qua anh đã chứng kiến đất nước chồng chất ngày càng nhiều tệ nạn,
không biến pháp thì sẽ tiêu vong. Anh cho rằng bản thân biến pháp không
vấn đề gì, mà là do thực hiện không đến nơi đến chốn.
Trong bài thi của mình, anh đã viết một đoạn khá dài thể hiện điều
này. Nhưng anh cũng biết, dù thiên tử có đọc đến và tán thành thì ngài cũng
không trọng dụng và càng không thi hành. Nhưng anh cũng đã nghĩ rồi, anh
sẽ làm theo Vương An Thạch, sẽ bình tâm xử thế, chờ đợi thời cơ, vì thế
anh không lo lắng.
Điều khiến anh lo lắng, là Chương Mỹ.
• • •
Có thể nói Tống Tề Dụ và Chương Mỹ… có nhiều bề trái ngược.
Về xuất thân, Chương Mỹ là con nhà cự phú ở nông thôn, anh là con
nhà tiểu nông; về tính tình, Chương Mỹ trầm lặng vững vàng, anh phóng
khoáng không ưa gò bó; về học hành, Chương Mỹ trọng kinh văn cổ điển,
anh trọng nghĩa lý và kiến giải cá nhân; về giao tiếp, Chương Mỹ khiêm
hòa cẩn thận, anh thì thả lỏng tùy ý; còn về chính pháp, Chương Mỹ theo
cựu pháp, anh theo tân pháp.
Gần như nước với lửa, thế mà lại thành bạn thân, suốt từ nhỏ đến giờ
gần hai chục năm gắn bó như hình với bóng.
Điều kỳ lạ là bao năm qua Tống Tề Dụ và Chương Mỹ hiếm khi tranh
luận quan điểm, luôn trò chuyện cởi mở và rất ăn ý. Có rất nhiều phen cả
hai chưa cần nói ra đã hiểu đối phương định nói gì. Cho đến khi về kinh
thành học Thái học, sự bất đồng của cả hai mới dần thể hiện ra.
Hồi học trường huyện, trường phủ, Tống Tề Dụ luôn cảm thấy những
người xung quanh tầm mắt quá ngắn, khó mà tìm thấy người tri kỷ, ngoại