Nghĩa phụ Cổ Nhi Phong tuy tay hơi có tật nhưng vẫn chơi trống rất hay;
nghĩa huynh Tiêu Dật Thủy sành âm luật và giỏi viết lời ca cho các làn điệu
Từ, ông thường soạn bài hát mới cho đám kỹ nữ ở kinh thành. Trì Liễu
Liễu sau khi đến kinh thành mới quen họ, mấy năm nay cả ba sống chung
một căn nhà, rất thân thiết, hệt như cha con anh em trong một gia đình.
Lúc đi qua chùa Lạn Kha, chú tiểu Dịch Tâm đang đứng bên cửa nhìn
thấy cô, chú chắp tay hành lễ, nói: “Nữ thí chủ rất có lòng từ bi, thiện tai
Trì Liễu Liễu ngạc nhiên, nhưng cô lập tức hiểu ra: chùa chỉ cách quán
cơm Tăng Bàng Xuyên trăm bước, chắc lúc nãy Dịch Tâm đã nhìn thấy
cảnh Trì Liễu Liễu bị Đổng Tu Chương đánh. Chú tiểu Dịch Tâm mới bảy,
tám tuổi, rất tốt nết, dù bị ai trêu đùa thế nào, chú cũng không giận, Trì
Liễu Liễu cũng hay gọi đùa chú là “quả bầu con”, nhưng hôm nay vui đùa
sao được, cô đành gượng cười rồi đi về nhà.
Dịch Tâm nói với theo: “Có lỗi, bị mắng, thì không được giận người ta;
không có lỗi, bị mắng mà vẫn không giận, càng khó; không những không
giận mà còn hiền hòa đối xử, lại càng khó hơn. A di đà Phật, thiện tai, thiện
tai…”
Cửa nhà đang đóng, Trì Liễu Liễu lấy chìa khóa ra mở cửa bước vào.
Trong nhà rất gọn gàng sạch sẽ, cô chợt thấy xấu hổ, thở dài: bác Phong
thực tử tế…
Mấy hôm nay các kỹ nữ mời Tiêu Dật Thủy đến giúp chuẩn bị cho hội
Hàn thực - Thanh minh. Cổ Nhi Phong bị cảm lạnh, nằm nhà. Trì Liễu Liễu
đang như người mất hồn nên chẳng còn tâm trạng nào mà quét dọn nhà cửa
đang rất lộn xộn… hôm nay cô định về sớm để làm việc này, nào ngờ nghĩa
phụ đã làm đâu ra đấy rồi.
Cô mở hộp đựng canh, Cổ Nhi Phong rất thích món này nên cô mới đem
về nhà. Canh đã vơi, chẳng còn nổi một bát nhỏ. Cô buồn bã ngồi nghĩ
ngợi. Cửa bỗng bị mở ra, vọng vào một giọng cười khàn khàn… Là Cổ Nhi
Phong.