Một hôm anh nghe Tống Tề Dụ ngẫu hứng ngâm câu thơ “Chẳng biết
thư nên gửi đến ai, Cánh én biết đâu mà truyền gửi”, anh cho rằng Tống Tề
Dụ đang mong thư của Liên Quan, anh liền nảy ra ý tưởng: viết thư giả, gửi
cho Tống Tề Dụ.
Nhưng đó là việc làm rất tệ hại thất đức, anh vội gạt ngay ý nghĩ này.
Nào ngờ sau đó ít hôm anh đến nhà họ Ô thì lại gặp Ô Mi, cô ta nói: “Nếu
Tống Tề Dụ không ngỏ ý thì cô sẽ thúc giục anh ta”. Chương Mỹ vội can
ngăn rằng hình như Tống Tề Dụ đã có ý trung nhân. Ô Mi hỏi cụ thể là ai,
thì anh nói: tôi cũng không rõ, cần phải hỏi Tống Tề Dụ.
Nếu Ô Mi biết Tống Tề Dụ mới chỉ gặp Liên Quan có một lần thì cô sẽ
khuyên can anh ta. Chương Mỹ nghĩ vậy, anh bèn lập tức bắt tay thực hiện
các bức thư giả của Liên Quan.
Chương Mỹ xưa nay không muốn tốn sức lực vào thơ từ ca phú, nhưng
bức thư giả cần có nét chữ kiểu con gái thì hết sức khó khăn, dù thư chỉ
ngắn vài trăm chữ, còn khó làm hơn viết văn khi đi thi. May sao ngày trước
anh đã từng luyện thư pháp kiểu Vệ phu nhân, nên rốt cuộc anh cũng hoàn
thành thư giả. Sau đó anh ra phố chi mấy đồng tiền cho một người lạ mặt,
nhờ cầm thư đến đưa cho môn lại trường Thái học.
Ngay chiều hôm đó Tống Tề Dụ khoái chí đi tìm Chương Mỹ và Trịnh
Đôn khoe rằng đã nhận được thư của nàng Liên Quan! Nhìn vẻ mừng rỡ
của Tống Tề Dụ, Chương Mỹ biết kế sách của mình đã ứng nghiệm nhưng
lòng anh rất áy náy vì mình chưa từng làm chuyện mờ ám như thế này.
Có câu nói không sai: làm việc thiện như lên núi cao, làm điều ác như
xuôi dòng nước. Viết bức thư thứ nhất áy náy ít hôm, rồi anh tiếp tục viết
bức thứ hai, thứ ba… còn Tống Tề Dụ thì hoàn toàn tin là thật và ngày càng
si mê Liên Quan.
Cho đến cuối năm ngoái, Ô Mi bỗng cầm hai bức tranh đến gặp Chương
Mỹ, nói là tranh của Giản Trinh. Mấy mẫu ruộng “học điền” mà Giản
Trang vẫn dựa vào để sinh tồn sắp bị thu hồi đến nơi, Giản Trinh thấy thế
bèn nhờ Ô Mi đi tìm người môi giới để bán tranh, hỗ trợ gia đình.