bức thư giả sao cho đúng “khẩu khí” của Liên Quan. Sau đó Giang Độ
Niên chép lại bằng lối chữ “của Liên Quan”. Chương Mỹ đọc thư, thấy
ngắn gọn súc tích nhưng ý tứ rất sâu sắc, anh thầm nghĩ: nếu đây là thư
Giản Trinh viết cho mình thì vui biết mấy!
Trong thư, địa chỉ nhà Lương thị lang ở phủ Ứng Thiên là do Giản Trang
cung cấp, Chương Mỹ hỏi “sao anh biết được” thì Giản Trang hơi ngớ ra
nhưng trả lời rằng mình ngẫu nhiên nghe được. Chương Mỹ băn khoăn,
Giản Trang xưa nay luôn thẳng thắn đàng hoàng, luôn nói thẳng nói thật
với mọi người chứ không úp mở nửa vời, anh chờ “ngũ tử” ra về rồi bèn
hỏi lại lần nữa, Giản Trang bỗng phát cáu: “Anh sao thế? Tôi vừa nói rồi:
ngẫu nhiên nghe được!”
Anh ta vốn nghiêm chỉnh đúng mực chẳng thất lễ với ai, nữa là giữa bạn
bè với nhau?
Không tiện hỏi thêm nữa, Chương Mỹ chào rồi ra về. Dọc đường anh
vẫn không quên thái độ vừa nãy của Giản Trang, không chỉ là nổi nóng mà
còn có nét hận xen lẫn xấu hổ. Và còn ẩn chứa những gì nữa? Anh tiếp tục
ngẫm nghĩ… và chợt thấy ớn lạnh: ánh mắt ấy còn rờn rợn sát khí!
Đang giữa trời nắng mà Chương Mỹ phải rùng mình. Giản Trang đang
nói dối. Anh ta không chỉ muốn Tống Tề Dụ bị lỡ thi điện thí mà còn muốn
trừ khử để cắt đứt mối lo về sau. Vì, dù Tống Tề Dụ lỡ kỳ thi này thì ba
năm sau vẫn có thể dự thi, và chắc chắn sẽ là thế, không ai ngăn cản nổi.
Tuy Chương Mỹ đã xung khắc với Tống Tề Dụ như nước với lửa nhưng
vẫn có tình nghĩa mười mấy năm trời hết sức thân thiết, nên anh vẫn có
thiện chí bảo vệ bạn. Huống chi, nhà Nho vẫn nói: Nhân nghĩa là gốc, phải
có lòng trắc ẩn. Con người với nhau không thể làm những chuyện như vậy.
Nhưng anh vẫn có ý muốn cảnh cáo Tống Tề Dụ một phen. Anh nhớ
rằng có người bạn học nói rằng: quan tri huyện Ninh Lăng đang muốn kén
chồng cho cô con gái, anh bèn lại viết một bức thư giả Liên Quan - thay địa
chỉ là huyện Ninh Lăng, rồi gửi cho Tống Tề Dụ.