việc liên kết chặt chẽ với “bằng chứng” được tạo ra bởi tiền bạc mà chúng
ta làm ra. Chúng ta nghi ngờ, thậm chí khinh miệt, những đồng tiền có
được mà không do cần cù lao động. Ví dụ, chúng ta không mấy coi trọng
những người đột nhiên trở nên giàu có nhờ trúng xổ số. Người Mỹ cho rằng
đó không phải là tiền “thực” vì đồng tiền đó không được làm ra. Một người
trúng xổ số không chứng minh được điều gì qua việc trúng xổ số, trừ việc
anh ta hay cô ta rất may mắn. Dường như những người trúng số tự bản thân
họ cũng có cùng suy nghĩ nhạy cảm này. Khối tài sản trên trời rơi xuống
này khiến họ trở thành kẻ dị thường: họ không thật sự thuộc về tầng lớp
giàu có, bởi vì họ không hề chủ động gia nhập thế giới đó nhưng họ cũng
không còn phù hợp với những người cùng địa vị, bởi vì tiền của họ đã tạo
ra khoảng cách. Chúng ta thường quên đi tên tuổi của những người trúng
xổ số trong ngày một ngày hai và không bao giờ nghe thêm thông tin gì về
họ nữa.
Điều thú vị là chúng ta nhìn nhận những người chiến thắng các trò chơi
truyền hình theo cách hoàn toàn khác. Tất nhiên, điều này là thuận mã. Khi
Ken Jennings thắng 74 vòng liên tiếp trong chương trình câu đố Jeopardy!
(nhận được hơn 2,5 triệu đô la trong quá trình chơi), anh ta lập tức trở nên
nổi tiếng. Tuy nhiên, không như người trúng xổ số, ngôi sao của Jennings
không le lói trong chốc lát. Anh ta nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo,
những cuộc hẹn diễn thuyết và một chỗ đứng trong lịch sử truyền hình. Ken
Jennings kiếm được tiền nhờ chiến đấu và chiến thắng những người cùng
chơi trong hàng tháng trời; anh ta đã chứng tỏ bản thân hết lần này đến lần
khác.
Ken Jennings có cơ hội và anh ta đã tận dụng được. Đó là điều mà người
Mỹ thực sự khao khát. Chúng ta có thể mơ về việc trúng xổ số và thoát
khỏi vòng quay cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, mật mã của công việc
và tiền bạc cho thấy rằng công việc là một phần thiết yếu của việc chúng ta
là ai và chúng ta chỉ cần một cơ hội để chứng tỏ bản thân mình và nhận
được những bằng chứng xác thực rằng chúng ta đã thành công.