thức ăn không làm bạn khỏe mạnh”. “Tôi thật sự chỉ ăn để tiếp tục cuộc nói
chuyện”. Cứ một người sành ăn nói về mùi vị, thành phần và việc thưởng
thức một bữa ăn thì có đến hai chục người nói về việc ăn no và ăn vì nhu
cầu chứ không phải để thỏa mãn. Thông điệp được truyền tải rõ ràng từ
những câu chuyện này là cơ thể chỉ là một cỗ máy và nhiệm vụ của thức ăn
là giữ cho cỗ máy đó hoạt động.
Mật mã văn hóa Mỹ của thức ăn là NHIÊN LIỆU.
Người Mỹ nói “Tôi no rồi” ở cuối bữa ăn bởi vì trong tiềm thức họ xem
việc ăn uống cũng giống như việc nạp nhiên liệu. Nhiệm vụ của họ là lấp
đầy dạ dày; khi hoàn thành, họ thông báo rằng mình đã kết thúc nhiệm vụ.
Một điều thú vị đáng lưu tâm là trên những con đường cao tốc chạy khắp
đất nước, bạn đều có thể tìm thấy những điểm nghỉ ngơi kết hợp cả trạm
bơm xăng và nơi bán đồ ăn. Khi bạn lái xe tới vòi bơm và bảo nhân viên ở
đó đổ đầy bình, không hẳn là quá đáng nếu anh ta hỏi “Bình nào?”
Người Mỹ xem cơ thể của mình như những cỗ máy. Cỗ máy của chúng
ta có những chức năng cần thực hiện và chúng ta phải giữ cho chúng hoạt
động. Một vài người trong số chúng ta chọn việc giữ cho bộ máy ở trạng
thái tốt nhất bằng cách gắn kèm chúng với những cỗ máy khác, những thiết
bị tập thể hình tại câu lạc bộ sức khỏe gần nhà, thứ mà hóa ra lại được thiết
kế bởi Marquis de Sade. Dẫu vậy, tất cả chúng ta đều biết rằng mình cần
nhiên liệu để vận hành những cỗ máy này.
Thú vị là không giống như tưởng tượng, chúng ta dường như rất ít quan
tâm đến chất lượng của nhiên liệu. Dẫu cho có vô số những cảnh báo về
ảnh hưởng tới sức khỏe, người Mỹ vẫn yêu thích thức ăn nhanh. Trong
cuốn sách Fast Food Nation của mình, Eric Schlosser viết rằng: “Người
Mỹ ngày nay chi nhiều tiền cho đồ ăn nhanh hơn cả là cho giáo dục bậc
cao, máy tính cá nhân, phần mềm hay xe ô tô mới. Họ chi nhiều tiền cho đồ
ăn nhanh hơn cho phim ảnh, sách báo, tạp chí và nhạc thu âm cộng lại.
Năm 1970, người Mỹ chi khoảng 6 tỷ đô la vào đồ ăn nhanh. Năm ngoái họ
chi hơn 100 tỷ đô la.”