ỏi công năng, một phòng tắm sẽ dễ dàng bị quên lãng. Thế nhưng một
phòng tắm đầy đủ trang thiết bị và độc lập khỏi thế giới là một phòng tắm
“thuận mã”. Thực vậy, ngày nay, nếu để ý những căn nhà mới xây trong
những khu đô thị phồn hoa, bạn cũng sẽ thấy ấn tượng tương tự. Phòng tắm
ngày càng được mở rộng – bồn tắm, bồn rửa mặt đôi, ti vi, ổ cắm điện
thoại, và luôn luôn có một cánh cửa để ngăn cách với thế giới.
Tại sao lại như vậy? Những mật mã.
Mật mã văn hóa là một định nghĩa vô thức mà chúng ta gán cho bất kỳ
một vật cụ thể nào – một chiếc xe, một nhóm máu, một mối quan hệ, thậm
chí là một đất nước – thông qua nền văn hóa mà chúng ta được nuôi dạy.
Nhận thức của người Mỹ về xe Jeep khác một trời một vực với nhận thức
của người Đức và người Pháp vì nền văn hóa của chúng ta phát triển khác
nhau (người Mỹ có những ký ức văn hóa mạnh mẽ về biên giới rộng lớn;
người Đức và người Pháp lại có những ký ức văn hóa mạnh mẽ về sự
chiếm đóng và chiến tranh). Vậy nên, những mật mã – những định nghĩa
mà chúng ta gán cho xe Jeep trong vô thức – cũng khác nhau. Có vô vàn
nguyên do (và tôi sẽ trình bày trong các chương sau), nhưng tựu chung đều
phụ thuộc vào thế giới mà chúng ta lớn lên. Tất nhiên là ai cũng biết rằng
có những nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên điều mà phần lớn mọi người
không nhận ra là những khác biệt văn hóa đó sẽ khiến chúng ta xử lý cùng
một thông tin theo nhiều cách khác nhau.
Tôi bắt đầu hành trình khám phá những mật mã văn hóa từ đầu thập niên
1970. Thời điểm đó, tôi là một nhà phân tâm học ở Paris. Do công việc
điều trị mà tôi biết đến công trình nghiên cứu của nhà khoa học vĩ đại Henri
Laborit, người đã vạch ra mối quan hệ rõ ràng giữa việc học tập và cảm
xúc, chỉ ra rằng nếu không có cảm xúc thì không thể học tập. Cảm xúc càng
mạnh mẽ thì trải nghiệm học được càng sâu sắc. Hãy hình dung việc một
đứa trẻ được bố mẹ dặn tránh xa chiếc chảo nóng đặt trên bếp. Khái niệm
này là khó hiểu đối với đứa trẻ cho đến khi nó với lên, chạm vào chiếc
chảo, và bị bỏng. Trong khoảnh khắc cảm xúc đau đớn dữ dội đó, đứa trẻ
học được ý nghĩa của “nóng” và “bỏng” và không bao giờ quên.