tay áo của nó. Cô bạn “ăn trộm” một thứ gì đó của tôi để bảo đảm tôi phải
có ngày trở về với nó.
Tớ hy vọng thế. - Tôi nói thầm với nó lúc chúng tôi nói lời chia tay.
Đối với tôi phải xa lìa nó là điều đau khổ nhất.
Bầm tôi và tôi đi cùng một nhà buôn xạ hương có tên là Abdul-
Rahman và vợ ông ta, hay đi cùng những du khách từ thành phố này đến
thành phố kia và có thu phí. Họ thường đi một mạch hướng đến vùng biên
giới đông bắc, tìm kiếm những túi dạ dày xạ hương của người Tây Tạng để
đem bán ở các thành phố lớn. Các bao bố, chăn chiên và lều bạt của họ đầy
mùi xạ hương thơm phức, ngửi đã thấy đắt tiền, cao giá như hoàng tử.
Con lạc đà mà bầm tôi và tôi cưỡi có đôi mắt huyền dịu, nó đeo rèm
chắn mi bảo vệ, lông dày xộp màu cát. Abdul-Rahman đã trang điểm cái
mũi xinh đẹp của nó bằng dải lụa đỏ viền có tua màu xanh da trời, một
dạng dây cương. Chúng tôi ngồi chễm chệ trên lưng nó chênh vênh trên
những tấm thảm đã gập gọn, bao bố đựng thực phẩm, tay thì bám vào bướu
của nó. Con lạc đà này bước đi thì khoan thai nhưng phải cái xấu tính và có
mùi hôi hám như mùi nhà xí.
Tôi chưa từng bao giờ thấy được vùng thôn quê phía bắc ngôi làng.
Ngay khi chúng tôi đi xuôi xuống, xa dần những con suối nguồn cuộc sống
của rặng núi, đất đai trở nên cằn cỗi. Những bụi cỏ cây lúp xúp xanh nhợt
nhạt vật lộn bám lấy đất mà sống, cũng như cuộc đời chúng tôi. Những vò
nước uống của chúng tôi trở nên quý giá vô cùng, quý hơn cả những bao
đựng xạ hương. Trên đường đi, chúng tôi trông thấy những vò nước vỡ
vương vãi đó đây và đôi lúc còn nhìn thấy xương của những người ước
lượng sai lầm độ dài của chuyến đi của họ.
Abdul-Rahman thúc chúng tôi đi tiếp vào những giờ sáng sớm, miệng
hát nhịp cho bọn lạc đà để chúng đều bước theo phách nhạc của ông. Ánh
mặt trời tia rọi như mọc lên từ đất và rồi ánh sáng trắng chói làm tôi nhức