Abdullar chửi thề một câu và tháo vài nút thắt bằng lưỡi dao của mình.
Người thợ ngồi đối diện kia duỗi chân tay nghỉ một lát đợi khi người kia
sửa lỗi. Rồi tiếng đọc ê a lại tiếp tục và họ cứ thế làm.
Tôi thấy Araj cứ liên tục phải cúi nhìn vào một tờ giấy để nhắc anh ta
nhớ màu tiếp sau là màu gì.
Tại sao lại dùng thiết kế trên giấy mà không dùng ngay trong đầu? -
Tôi hỏi.
Bởi vì đó là bản hướng dẫn chính xác nhất màu gì xuất hiện ở đâu.
Gostaham đáp. - Kết quả là không sai sót tí nào hết và ai cũng có thể đạt
được.
Trong bản làng của chúng tôi, tôi luôn dệt bằng trí nhớ, thi thoảng
cũng sáng tạo ra chút chi tiết lúc đang dệt. Tôi vẫn thường tự nghĩ mình là
người thợ dệt thảm hoàn chỉnh lắm, cho dù những tấm thảm của tôi chưa
cân đối đều, còn những đường cong như chim, thú, hoặc hoa lá thì trông
vuông nhiều hơn là tròn. Nhưng giờ đây tôi đã trông thấy những gì mà
nghệ nhân tiểu thủ công thực sự có thể làm được, tôi muốn học hỏi mọi thứ
mà họ biết.
Trước khi về nhà, Gostaham quyết định kiểm tra lượng bán hàng ở sạp
trong chợ. Lúc chúng tôi đi ngoằn ngoèo trong những con đường uốn lượn
ở chợ, chúng tôi đi qua những nhà tắm hơi, giáo đường, lều trại, trường
học, giếng nước công cộng, và chợ bán mọi thứ mà con người đã làm ra và
sử dụng. Mùi vị nói cho tôi biết chúng tôi đang đi qua khu nào, khi có mùi
sức vào mũi ấy là lúc đi qua khu bán gia vị có mùi quế cay, rồi lại đến khu
có mùi da thuộc ấy là chỗ người ta bán dép lê, rồi đến chỗ có mùi tiết ấy là
khu chợ bán thịt cừu, rồi qua chỗ có mùi hương hoa ấy là nơi chưng cất và
bán nước hoa. “Ta làm ở cái Chợ Lớn này đã hai mươi năm nay rồi”, - một
lái thương thảm dệt có lần nói với tôi. - “Ấy vậy mà có những khu chợ mà
ta chưa từng đặt chân tới”. Tôi không nghi ngờ những lời ông ấy nói.