“Tôi đã chứng kiến họ tra tấn anh ta. Biến anh ta thành một kẻ để hiếp
đáp, thành một nơi để hết kẻ này đến kẻ khác giải tỏa cả về thể xác, tinh
thần lẫn tình dục. Họ không từ bất cứ điều gì. Không điều gì hết. Việc đó
kéo dài tám tháng. Rồi giữa mỗi cuộc tra tấn là những trận chiến, xương
thịt nát nhừ bắn tung tóe trong tiếng gầm của đạn pháo, tiếng rú của những
người cách đó ba giờ đồng hồ còn chơi bài với ta, và mặt đất khô khan là
điểm mốc duy nhất, một trảng đất bị vũ khí giày xéo và ngập ngụa máu, nơi
chỉ mọc lên mầm mống của tuyệt vọng.”
“Không ai can thiệp cứu người lính trẻ đó ư?” Jezabel phẫn nộ thì thầm,
giọng lộ rõ xúc động.
“Chúng tôi bị tách rời khỏi phần còn lại của đại đoàn, một đồn cô lập,
chỉ huy là một sĩ quan quá mù quáng vì phẩm hạnh đạo đức nên không chịu
chấp nhận chuyện cấp dưới của mình có thể làm những việc như vậy. Trong
chiến tranh, bộ máy chỉ huy là hằng số duy nhất phải tôn trọng. Anh có thể
chết vì đói, vì rét hay vì bom đạn, nhưng không bao giờ được quyền nghi
ngờ cấp trên. Hình phạt sẽ là cọc xử bắn. Và những kẻ tra tấn toàn là hạ sĩ
quan. Gây hấn với họ đồng nghĩa với tự sát.”
Jeremy cầm lấy bình nước mà không xin phép và tự rót cho mình thêm
cốc nữa.
“Một ngày kia, có một người, tên anh ta là Dickey, đã can thiệp. Anh ta
không chịu nổi tiếng gào khóc của người lính trẻ kia nữa. Khi thấy ba, bốn
tên hạ sĩ đến gần để tra tấn ‘món đồ’ của chúng, Dickey đứng dậy chặn
đường. Anh ta đã phải ra trạm xá mất ba ngày, khi trở về, đám hạ sĩ đối xử
với anh rất khắc nghiệt. Một tuần sau thì anh chết, trong một hố đạn súng
cối. Kể từ đó, cả đơn vị phải nhắm mắt bịt tai mỗi khi cần. Phần lớn những
người đàn ông đó đều có người yêu hoặc vợ con, họ muốn được về nhà.
Cái chết rình rập quá thường xuyên trên chiến hào và các dãy thép gai nên
họ không muốn kéo nó vào tận trong chăn mình nữa. Thời buổi chiến tranh,
nhắm mắt lại vẫn dễ hơn.”
“Bản thân anh thì sao?” Keoraz hỏi.
“Tôi chờ cho qua.”