Toàn bộ cuốn nhật ký liên kết lại trong cô, các nhân vật, ngày tháng, cái
nóng, kiến trúc Cairo, cô sống lại trong một đoạn phim tua nhanh toàn bộ
những gì cô đã hình dung ra trong lúc đọc.
Đột nhiên, hình ảnh chững lại trong im lặng.
Và một cảnh tượng mới thêm vào tất cả những cảnh tượng đã có. Cảnh
tượng đó không nằm trong cuốn nhật ký, mà trong ký ức một ông già bị tổn
thương.
* * *
Đó là một buổi chiều tháng Ba năm 1928.
Phố Maspero chật cứng người qua lại. Các quý bà người Pháp vừa làm
duyên dưới những chiếc ô nhỏ vừa cười đùa, các bảo mẫu người Cairo đẩy
xe nôi đi dạo dưới bóng những cây cọ hợp thành một dải xanh giữa con phố
và sông Nile oai vệ. Các quý ông đóng bộ vừa xô đẩy nhau vừa lịch sự xin
lỗi trên vỉa hè, dưới chân các tòa nhà hiện đại, cao sáu tầng, hoàn toàn bằng
đá và thép, trên đỉnh, các cửa kính để mở được che rèm tránh ánh mặt trời
chói chang.
Những chiếc ô tô đời mới phì phò dưới lòng đường, thúc giục đám người
dắt lạc đà và xe la kéo nhường chỗ bằng những hồi còi lanh lảnh. Và giữa
con phố đó, mọi người tránh lối cho đoàn tàu điện đang lại gần phát ra
tiếng lách cách của sắt cũ và bắn ra những tia lửa trên bộ tóc bằng dây cáp.
Một phụ nữ nói giọng Ý cúi xuống một cậu bé đi dép xăng đan bằng da
mang tất trắng, mặc quần soóc và áo sơ mi đầy vết kẹo hồi. Một người bán
cam rong dừng lại chỗ họ để mời mua. Người phụ nữ đuổi ông ta đi bằng
lời từ chối dứt khoát, thể hiện sự quen thuộc với những kiểu mời mọc thế
này.
“Đừng quên tập gam nhé,” bà nhắc đứa bé. “Ngày nào cũng tập đấy.”
Đoàn tàu điện kêu rin rít dừng lại trước mặt họ.