Tái bút của tác giả
Đặc điểm chung của các bộ truyện trinh thám Trung Quốc cổ là vai trò thần
thám luôn thuộc về Huyện lệnh nơi xảy ra vụ án.
Vị quan này chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động hành chính của huyện đó
trong phạm vi quyền hạn của mình, thường bao gồm một tòa thành và
những vùng thôn quê quanh đó tầm năm mươi dặm. Huyện lệnh có nhiều
nhiệm vụ. Ông ta hoàn toàn chịu trách nhiệm việc thu thuế, sinh tử và hôn
phối, theo dõi việc sử dụng đất, duy trì hòa bình… đồng thời giữ vai trò
một quan án tại công nha mà ông ta làm việc, xử phạt tội phạm và xử các
vụ án hình sự cũng như dân sự. Vì Huyện lệnh gần như giám sát mọi mặt
trong đời sống thường nhật của người dân, nên trong tiếng Hán, ông ta
thường được nhắc đến là “quan phụ mẫu”.
Huyện lệnh này là một vị quan luôn phải làm việc cật lực. Ông ta sống
cùng gia quyến ở những tư thất riêng biệt trong khuôn viên huyện nha, và
thường dành chủ yếu thời gian để xử lý việc quan.
Huyện lệnh là nền tảng cho cấu trúc khổng lồ hình kim tự tháp của bộ máy
chính quyền Trung Quốc xưa kia. Ông ta phải trình báo với Tri phủ, người
giám sát mười hoặc hơn mười huyện. Tri phủ lại trình báo lên Tuần phủ,
người chịu trách nhiệm cho nhiều phủ nha. Về phần mình, Tuần phủ lại
trình báo lên các vị quan trung ương ở kinh thành, cùng Hoàng đế ở tầng
trên cùng.
Mỗi con dân, dù giàu hay nghèo, bất chấp xuất thân, đều có thể tham gia
vào quan trường và trở thành Huyện lệnh khi vượt qua các kỳ thi văn hóa
do triều đình tổ chúc. Ở phương diện này, hệ thống chính quyền Trung
Quốc có phần giống một chính quyền dân chủ tại thời điểm đó, trong khi
châu Âu vẫn còn dưới chế độ phong kiến hà khắc.