cáo hoặc nhân chứng nào, mọi phiên xử của một vụ án bao gồm chất vấn sơ
bộ đều phải được tiến hành trong phiên xử công khai ở chốn công đường.
Một biên bản tỉ mỉ sẽ được giữ lại trong số mọi biên bản lưu và các báo cáo
này phải được chuyển lên các thượng quan để họ điều tra.
Người đọc Địch Công án từng hỏi có thể nào các nha lại ghi chép chính xác
được những diễn tiến mà không sử dụng chữ tốc ký. Câu trả lời như sau:
bản thân văn phạm tiếng Trung đã là một dạng tốc ký. Chẳng hạn, một câu
thông thường có khoảng hai mươi chữ thì có thể giảm xuống còn bốn chữ
để lấy ý chính. Hơn nữa, có tồn tại một vài hệ thống chữ viết tay liên tiếp,
trong đó các ký tự bao gồm tầm mười nét bút có thể giảm xuống còn một
nét. Trong khi làm việc tại Trung Quốc, bản thân tôi cũng hay nhờ các thư
ký ghi chép lại các cuộc đàm phán phức tạp bằng tiếng Trung và thấy biên
bản chính xác đến kinh ngạc.
Trong hầu hết các tiểu thuyết trinh thám Trung Quốc, Huyện lệnh buộc
phải giải quyết ít nhất ba vụ án hoàn toàn khác nhau trong cùng một thời
điểm. Đặc điểm thú vị này tôi đã giữ lại trong cuốn truyện các bạn đang
cầm trên tay. Theo ý kiến của tôi, ở phương diện này, các câu chuyện trinh
thám của Trung Quốc có tính thực tế hơn truyện trinh thám của chúng ta.
Một huyện khá đông dân. Bởi thế, đương nhiên sẽ hay có đôi ba vụ án phải
được giải quyết cùng lúc.
Trong cuốn sách này, tôi vẫn đi theo truyền thống lâu đời của Trung Quốc
nên ở cuối chuyện có miêu tả chi tiết về quá trình hành hình phạm nhân.
Công đạo đòi hỏi hình phạt dành cho phạm nhân phải được thực thi đầy đủ
đến từng tiểu tiết. Tôi cũng đi theo thói quen của các nhà văn Trung Quốc
thời Minh khi mô tả con người và cuộc sống trong tiểu thuyết giống như
cùng thời với họ, dù bối cảnh truyện là từ nhiều thế kỷ trước. Cách minh
họa trong truyện của tôi cũng tương tự, mô phỏng lại thói quen và trang
phục giống của triều Minh (1368 - 1644) hơn là triều Đường.