Nhìn ở khía cạnh tích cực, các tai nghe dây màu trắng khiến ta dễ dàng
nhận biết những người đang sử dụng iPod. Trong đám đông sử dụng công
nghệ, cũng rất dễ dàng nghĩ ra những người sở hữu iPod. Do đó, iPod xuất
hiện ở khắp nơi, và ấn tượng này lại góp phần tạo nên cảm nhận đó. Còn gì
hơn một đường xoắn ốc đi lên?
Điểm mấu chốt là sự quen thuộc tạo nên sự gắn bó, chứ không phải xem
thường.
Tạo ra cảm nhận về sự khan hiếm
Có lúc các nguyên tắc về minh chứng xã hội hay sự phổ biến đều không
khả thi vì mức giá (xe hơi) hoặc vì khan hiếm (tranh nghệ thuật), nhưng
bạn vẫn muốn mọi người khao khát sản phẩm mà bạn cung cấp. Trong
trường hợp đó, cần biết rằng con người sẽ gán giá trị cao hơn cho những
thứ mà họ nghĩ là hiếm. Sau đây là ba ví dụ:
Ví dụ 1: Khi Google giới thiệu dịch vụ email Gmail, bạn chỉ có thể tạo
tài khoản nếu có lời mời. Bạn nghĩ Google bị giới hạn băng thông hay dung
lượng trên máy chủ hay có những lý do thật sự để hạn chế các lời mời sao?
Tôi thì không. Sự mong mỏi có được lời mời từ Google gây khích động đến
độ người ta đã rao bán trên eBay.
Ví dụ 2: Ảo tưởng về sự khan hiếm là cơ sở cho thế giới đầu tư mạo
hiểm của thung lũng Silicon. Ở đây chỉ có một điều tệ hại hơn đầu tư vào
một vụ không tốt là không tham gia được một vụ tốt. Craig Johnson, một
trong những bố già về luật tài chính doanh nghiệp ở Silicon Valley, khuyên
các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi nói với những nhà đầu tư tiềm năng rằng “Tàu
đang rời bến, và không còn nhiều chỗ nữa”, để thuyết phục họ đầu tư.
Ví dụ 3: Vài người bạn của tôi ở Anh điều hành một trang web trò
chuyện trực tuyến gọi là XAT, nơi hàng ngàn người giao tiếp với nhau mỗi
tháng. Trang web này bán “tính năng” cho phép tùy chỉnh; ví dụ, tính năng
Kim Cương sẽ thêm hình kim cương vào mặt cười thông thường.