thành ngoài thành, dựa vào công việc đan làn cỏ, nhặt phế liệu sống qua
ngày. Hôm nay đến vùng đất quý này là muốn đổi một số vật phẩm thiết
yếu trong cuộc sống.”
Tư Mã Khôi nghe lão trình bày khá rõ ràng, trong lòng đã bớt đôi
chút cảm giác đề phòng, tiếp tục hỏi Triệu Lão Biệt: “Sao Triệu sư phụ
lại ăn mặc như vậy? Trời hè oi bức, lão không sợ ủ thối người ra à?”
Triệu Lão Biệt nhoẻn miệng cười, trả lời ngay: “Bậc hậu sinh các
cậu không hiểu đấy thôi, chiếc áo mỗ đây mặc được gọi là áo khoác anh
hùng như ý, tứ bề thông thoáng, rất thoát gió đấy!”
Tư Mã Khôi nghe thấy mấy lời lão già nói, cũng có vài phần giống
tiếng lóng trong giới giang hồ, mà người thời nay làm gì còn ai nói năng
như vậy nữa, nên càng cảm thấy kỳ quái hơn. Cậu bèn gặng hỏi: “Xem
lão nói năng không phải hạng phàm tục, chân tay lại khá nhanh nhẹn,
nhưng sao đi vào nơi ngói vỡ gạch nát hoang tàn này, không sợ bị què
chân, lạc đường ư?”
Triệu Lão Biệt hiểu ngay ẩn ý trong lời lẽ của Tư Mã Khôi, nhưng
dường như không thể tin những lời ấy lại phát ra từ miệng một tên nhãi
ranh như cậu, nên liền nảy ý thăm dò lại. Lão ta bước lên một bước, chân
trước chân sau đứng chéo nhau, không ra hình chữ đinh, cũng không ra
hình chữ bát, rồi nói: “Mỗ đây chân cứng, đế dày, đi chắc, đứng vững,
cất bước khoan thai đĩnh đạc.”
Đoạn đối đáp của hai người toàn bộ là ám ngữ của thế giới ngầm
trong “Đáy biển giang hồ”, Hải ngọng đứng bên cạnh nghe chẳng hiểu
gì, ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, nhưng Triệu Lão Biệt và Tư Mã Khôi
thì ngấm ngầm hiểu đối phương không phải hạng tầm thường, nên tuyệt
đối không dám khinh suất.
Triệu Lão Biệt dường như không có ý định bỏ đi ngay, lão nói trời
nắng chang chang, trên đường đi vừa mệt vừa khát, nên muốn xin hai vị
“đầu lĩnh” cho trú chân nghỉ ngơi giây lát uống ngụm nước chè. Miệng