Hồi thứ hai
BIỆT BẢO
Tư Mã Khôi thấy cách hành xử của Triệu Lão Biệt khác hẳn với dự
liệu; chẳng ngờ lão chịu mang thuốc lá hảo hạng và đồ hộp đáng giá để
đổi lấy chiếc bàn mổ thịt mục nát, càng nghĩ càng thấy sự việc này rất kỳ
lạ.
Trong đống đổ nát ở Hắc Ốc chỗ nào cũng có vật vô chủ, ai nhặt
được thì của người ấy. Cái bàn này vốn là một trụ gỗ mục nát rỗng ruột,
to bằng một vòng ôm, xung quanh buộc ba vòng dây thừng gai, quanh
năm bị máu tiết dầu mỡ bám nhằng nhợ, màu sắc đã phai nhạt biến đổi
từ lâu. Sau khi nhặt về, nó chủ yếu được dùng làm thớt thái rau, chẳng ai
biết rõ lai lịch cụ thể của nó, và xem ra ngoài việc thấy nó có niên đại sử
dụng từ khá lâu thì chẳng thấy có điểm gì khác thường. Nay không hiểu
sao vô duyên vô cớ lại có người quan tâm đến nó?
Tư Mã Khôi thầm nghĩ: “Cái bàn chặt thịt chắc chắn là một bảo
vật, nếu bây giờ mình động lòng vì miếng lợi nhỏ mà dễ dàng trao đổi
với Triệu Lão Biệt, thì bất kể lão già đó giơ ra vật gì mình cũng vẫn bị
thiệt. Vậy nên trước tiên mình phải kiếm cớ để lão ấy thấy cái bàn này
đúng là đồ quý cái đã.” Thế là cậu thuận miệng khua môi múa mép một
hồi: “Triệu lão sư phụ này, lão không biết đấy thôi, thực ra gia đình mấy
đời nhà tôi đều mở cửa hàng bán thịt dê ở Bắc Kinh để mưu sinh, chiếc
bàn mục này tuy rằng nhìn có vẻ bình thường, nhưng lại là vật gia truyền
mấy đời nhà tôi để lại, tôi không chỉ dùng nó quen tay mà còn ‘nhìn
cương nhớ ngựa, nhìn vật nhớ người’. Bởi mỗi khi nhìn thấy nó, là tôi
như nhìn thấy liệt tổ liệt tông đã quy tiên nhà mình. Cái bàn này đã cùng