Hải ngọng nói: “Cẩn tắc vô ưu, đến lúc đó chúng ta để Nhị Học Sinh xem
tấm bia khắc bí mật gì, nếu cậu ta không khiếp vía mà chết, thì chúng ta
xem sau cũng chưa muộn.”
Tư Mã Khôi không đếm xỉa đến “ý tưởng đầu bò” của Hải ngọng, trong đầu
anh không ngừng lặp đi lặp lại suy nghĩ: Vì sao Nấm mồ xanh muốn tìm
tấm bia của người Bái Xà? Trước khi tìm thấy tấm bia đá, có lẽ anh không
thể giải đáp được ẩn số đó. Lúc này, Tư Mã Khôi bỗng thấy hơi do dự, hội
anh trải qua bao phen thập tử nhất sinh mới đến được đây, nên tuyệt đối
không thể biến mình thành tấm bia đỡ đạn cho Nấm mồ xanh được.
“Kẻ nào dám nhìn bí mật khắc trên tấm bia đá, kẻ đó sẽ lập tức gánh chịu
hậu quả chết chóc”, tuy Tư Mã Khôi không tin tà ma, nhưng sau khi trải
qua bao nhiêu chuyện như vậy, anh cảm thấy đôi khi không thể không tin
được, lòng anh bất giác bị bao phủ bởi chiếc bóng của điềm dữ. Có điều,
sau khi suy đi tính lại, anh vẫn thấy phải tiếp tục tìm kiếm tấm bia đá của
người Bái Xà, bởi vì, đó là cơ hội duy nhất giúp anh có thể vạch mặt Nấm
mồ xanh, còn sau khi tìm thấy tấm bia đá hội anh sẽ xử lý thế nào thì giờ
chưa phải lúc nghĩ tới. Việc cần làm trước mắt là xác định chính xác vị trí
để tìm ra con đường tiếp cận tấm bia.
Từ những bức phù điêu trong hốc đá, Thắng Hương Lân suy đoán, người
Bái Xà có tập tục lấy các vị thần tượng trưng cho địa hình mạch núi, phần
đầu và phần thân dưới của vị thần đó sẽ ngầm chỉ phương hướng. Căn cứ
vào điều này thì phía dưới Tử thành có lẽ tồn tại một đường hầm đá macma
rất dài, ngoằn ngoèo xuyên qua dãy núi dưới lòng đất và dẫn thẳng đến
miếu thần chôn bia đá. Độ dài của hành trình thì khó có thể dự tính trước
được, môi trường dưới đó còn nguy hiểm hơn trong sơn cốc ốc cúc đá và