có vô số hình người xếp thành hàng ngũ nghiêm trang, đứng nghiêng người,
mặt hướng theo chiều dốc của thông đạo. Trên mặt đất ngổn ngang toàn
chum vò bằng gốm đất, phủ đầy bột đá ráp màu đen, chỉ cần chạm nhẹ là vỡ
tan tành, lộ ra cỗ thi thể khô quắt ngồi bên trong và rất nhiều minh khí bằng
vàng ngọc, bề mặt chạm khắc các họa tiết cổ phác hình chim bướm, cá
rùa…
Hải ngọng nói: ‘‘Mấy món đồ này khá cổ đây, ai từng nói ấy nhỉ – cướp đồ
của người chết thì không tính là ăn cướp – tôi nẫng vài món về kính biếu
lão Lưu Hoại Thủy mới được…”, nói xong anh liền thò tay định nhặt.
Thắng Hương Lân thấy vậy vội ngăn lại: ‘Trên ngọc có vết máu, tốt nhất
anh đừng sờ vào, kẻo rước họa vào thân đấy!”
Tư Mã Khôi ngồi xổm xuống quan sát, phát hiện vân ngọc cổ có sắc hồng
tươi, không giống vết máu của tử thi. Thông thường, sau khi ngọc ra khỏi
lòng đất, nếu ngâm trong nước thì thường có màu trắng vân sương, nếu
chìm trong đất sẽ có màu vàng, nếu ngâm trong thủy ngân sẽ chuyển màu
đen, nếu ngâm đồng ngọc sẽ có màu lục, còn nếu nhiễm khí tử thi thì nó sẽ
chuyển màu tím đen. Trong thân ngọc có vô số lỗ nhỏ, nếu quanh năm vùi
dưới lòng đất hoặc chôn dưới mộ cổ, ngọc sẽ nhiễm sắc theo môi trường
xung quanh, đặc biệt là miếng ngọc đeo trên người tử thi. Trong quá trình tử
thi rữa nát, tử khí sẽ truyền nhiễm, xâm lấn, khiến ngọc xuất hiện các vết
đốm màu tím thẫm, tục gọi là “thi tẩm”. Nếu trên ngọc khí có màu đỏ, điều
đó chứng tỏ xác chết đựng trong vò gốm đều bị trói, đút vào trong vò, rồi bị
ai đó dùng dao nhẫn tâm chặt nạn nhân ra làm mấy khúc khi người đó vẫn
còn sống, máu tươi chảy ra, thấm vào trong ngọc, và biến mảnh ngọc đó
thành loại ngọc “huyết tẩm”. Xem ra, rất nhiều bình trong thạch điện này
đều là tế phẩm của miếu thần, họ bị giết chết.