Mấy năm trước học sinh, sinh viên trong thành phố đến đây làm nghĩa vụ
công ích, tu sửa lại thành con đường đất như thế này. Thời đó, người ta
quen đặt tên đường là Tiền Tiến, mang hàm ý “hương đến thắng lợi”,
chuyện đó rất bình thường, bản thân tấm biển kia chỉ là ván gỗ sơ sài làm
tạm, chẳng có gì đặc biệt cả.
Vậy mà lúc ba người gặp con chó hoang, phát hiện con chó biến mất sau
khi nó vừa đi ngang qua mặt, Hải ngọng còn nhặt viên đá ném ra xa xem
con chó có trốn ở chỗ nào sợ quá mà chạy ra không, nhưng viên đá ném đi
chẳng một động tĩnh phản hồi trở lại, trên đường vắng tanh vắng ngắt, cách
đó chừng ngoài ba mươi mét chỉ có một tấm biển sơ sài đứng chơ vơ một
mình bên vệ đường.
Sau đó, hội Tư Mã Khôi tiếp tục đi về phía trước, đi khoảng hơn hai mươi
phút, chân bước liên tục không ngừng nghỉ giây phút nào, mãi đến khi cả
hội chạm trán người nông dân đi theo hướng ngược lại, sau khi người này
đi lướt qua mặt cả hội, anh ta đột nhiên biến mất, mà nhìn kỹ phía sau, họ
thấy tấm biển chỉ đường đơn sơ mà mình thấy cách đây hai mươi phút trước
vẫn ở ngoài xa chừng ba mươi mét. Lẽ nào mọi người đi suốt bao lâu như
vậy mà vẫn chỉ loanh quanh gần điểm xuất phát thôi sao?
Cao Tư Dương cố gắng nghĩ theo hướng tích cực, cô lý giải: “Có thể trên
con đường này có nhiều biển chỉ đường, chúng ta chỉ mải nói chuyện, có để
ý đến quang cảnh xung quanh đâu”.
Tư Mã Khôi lắc đầu: “Không thể có chuyện đó, mọi vật trên đường làm sao
lọt khỏi mắt tôi được? Suốt cả quãng đường này, tôi chỉ nhìn thấy một tấm
biển gỗ duy nhất đó thôi”.