Ông lão mút mút từng thìa xúp khó nhọc.
Tự dưng tôi thấy buồn. Bữa ăn diễn ra trong sự ắng lặng. Tôi gợi lại
những gì tôi được biết về ông với một sự thận trọng như đi trên mảnh thủy
tinh vụn, chọn lựa từng từ để khỏi làm ông mếch lòng.
- Hồi mới mười lăm tuổi cháu đã được nghe người ta nói nhiều đến bác...
Bút Tre mắt sáng ngời liền vung tay chém chém:
- Thiên hạ sẽ còn phải nói lâu nói nhiều nhiều đến Bút Tre... Thì sao ai
cũng thích nghe/ Cứ nghe mà biết Bút Tre là cười/ Bao nhiêu bút sắt mòn
rồi/ Bút Tre vẫn để cho đời nguồn vui...
Nguyễn Đài vốn cũng cũng hay thơ phú liền tủm tỉm thêm vào: "Cuộc
đời dù có tối thui/ Đuốc tre thắp sáng rút lui kẻ thù..."
Bút Tre buông phịch bát xúp vỗ bàn cười ha ha:
- Các lão thấy chưa. Giá trị thơ Bút Tre là ở chỗ, khi đã nắm rõ cung
cách thì ai cũng có thể tập được như tập Kiều.
Bát đũa dọn đi, ông lão cầm ca nước chè tươi ra đầu hè ý tứ rửa hàm
răng giả, một lát sau trở vào uống nước bỗng trầm ngâm:
- Thời điểm tớ làm Trưởng ty Văn hóa Thông tin thì vừa mới trải qua vụ
Nhân Văn giai phẩm không lâu. Nhiệm vụ của ngành lúc đó mục đích số
một là phải tuyên truyền nhanh, kịp thời, sâu sắc đường lối chính sách của
Đảng: xây dựng CNXH ở miền Bắc, cổ vũ cho đồng bào miền Nam đấu
tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Tớ chẳng có thời gian tuyên
truyền kiểu hàn lâm. Cứ phải gây sốc thì dân chúng mới nhớ cho. Bởi chính
sách của ta nhiều cái thứ na ná nhau, chồng chéo rất khổ cho việc phổ
biến... Chúng ta chú trọng đến mọi phong trào trong cùng một thời điểm...
Nguyễn Đài chỉ vào giá sách:
- Cụ đọc Đông Tây Kim Cổ chẳng thiếu sách nào. Nhưng các sáng tác cụ
lại viết mang nặng tính phong trào... Hẳn là có chủ kiến không bình thường
phải không ạ?