Khổ chủ Bùi Đăng Sinh, vợ con đi vắng, có lý do mạnh dạn mời cơm.
Ông giáo chắc không mấy khi vào bếp nên làm bữa mà cứ như đánh trận
công đồn. Hành mỡ xèo xèo. Khói tuôn ngùn ngụt. Bát đũa dao thớt va
nhau như dàn nhạc đại bộ gõ. Tôi và Cầm Giang bóc tỏi, nhặt rau muống
ngay trường kỷ.
Giữa khoảnh khắc ông đồ Sinh nho nhã chân thấp chân cao hết lướt vào
gian bếp lại lượn ra ngoài phố, tôi rón rén thưa chuyện. Nghe tôi kính cẩn
gọi bác, Cầm Giang ném toạch nắm gốc rau muống vào xô rác. Giọng nhỏ
nhẹ, hơi có vẻ tủi thân:
- Cậu gọi Đăng Sinh thế nào thì gọi mình như thế cho tiện. Người thì anh
người thì bác, nghe bất công quá. Mình đâu đã già lắm…
Đọc được sự tự tin trên gương mặt tôi, Cầm Giang bập bập hơi thuốc:
- Có lẽ bất cứ việc gì của người đàn ông Việt từ làm ruộng, đánh dậm,
đánh giặc, đào than, đóng gạch, xây nhà, mót sỏi, mót cát, tôi vôi lẫn tiêm
chọc con người ta nhì nhằng, mình đều làm tốt. Hơn nữa tại nước da hơi
ngăm đen…
- Thưa, anh… anh Cầm… Giang đã mấy dịp về thăm người đẹp nơi Tây
Bắc năm xưa?
Tôi hỏi câu hỏi ấy chỉ vì sự ám ảnh từ những bài thơ Cầm Giang. Bỗng
nhà thơ lặng đi run rẩy khiến những ngọn rau muống héo rời tay. Hơi thở
nấc lên, ông nhìn theo con ngựa già gò lưng kéo xe qua cửa:
- Chuyện… đó… đó... kín thế… lâu thế… mà cậu cũng biết hay sao?
Vô tình tôi sắp biết một bí mật thuộc về Cầm Giang mà có thể chưa ai
hay. Khoan khoái và đắc thắng cách trẻ con, tôi nhếch cười. Quả là bất nhã,
nhưng thưa bạn, nếu như là bạn thì có hãm cháy phanh đứng khựng giữa
đường trong lúc câu chuyện vừa chớm pha gay cấn? Tinh quái, tôi dấn tiếp:
- Nàng Cầm… Cầm… gì ấy… Anh Cầm Giang nhỉ…?
- Thì là Cầm Bạch Thiêm chứ còn gì nữa mà cậu còn giả vờ…