con mình sau này hèn, không chịu học thì không có chỗ chui ra rúc vào, đỡ
chường cái mặt ra nắng mưa. Văn chương là không ít lý do để con người
hành hạ con người, nhưng mục đích tồn tại của văn chương là để cứu con
người khỏi tuyệt vọng. Ví như là tôi đây…
Tôi có ý chờ Cầm Giang nói tiếp, nhưng Tất Ứng đã đỡ lời, vẻ thông
thạo hơn người, bỗ bã chỉ vào chủ nhà:
- Ông này nếu không có giấy chứng nhận dự lớp bồi viết văn do Hội Nhà
văn Việt Nam tổ chức và chữ ký của Nguyễn Đình Thi ở mảnh giấy đó, thì
chắc chắn không thể chuyển ngành về làm giáo viên Văn ở Ty Giáo dục
Vĩnh Phú nổi.
Nhờ sự thuyết phục của những bài thơ về Tây Bắc, cán bộ tổ chức ngành
Giáo dục Vĩnh Phú đã nhận ông vào dạy Văn cấp II, dạy đội tuyển học sinh
giỏi cấp huyện. Nhiều người theo nghề thầy. Trong họ bây giờ vẫn còn ám
ảnh hình ảnh người thầy thăng hoa truyền thụ, tâm tình trong không gian
chật hẹp của lớp học, người thầy đã hé cho họ thấy thế giới siêu vi hồn
người qua văn chương…
Gió từ sông Hồng thổi lộng. Sang ngang là Sơn Tây. Chếch ngược dòng
là Hòa Bình, một trong lối ngõ vào Tây Bắc. Có tiếng đàn cò rỉa lông trên
ngọn bờ tre quắc quặc, Cầm Giang tự hào khoe:
- Chỉ nhờ lũy tre ấy mà tuần nào các con tôi cũng có thịt ăn. Chặt bán
một cây tre là được một cân thịt mông sấn.
Tôi băn khoăn không biết giữa nông dân căn cơ bòn tro đãi sạn Cầm
Giang với nhà thơ Cầm Giang thì có mối liên hệ với nhau như thế nào. Khó
mà tưởng tượng hai con người trái ngược lại hòa hợp trong một. Nhác thấy
ngoài sào tre luồn nơi hiên nhà lủng lẳng hai ba chiếc đèn bão, tôi đoán
chắc là Cầm Giang thi thoảng soi ếch.
- Anh soi ếch chắc cũng mát tay hay sao mà lắm đèn thế ạ?
Cười mỉm, Cầm Giang lắc đầu: