- Tôi soi ếch cũng tạm được. Nhưng đèn ấy là để dùng vào việc đọc sách.
Soi ếch thì người ta dùng đèn bấm kia. Chẳng là tôi tốt giọng, sách lại sẵn,
bà con xóm quanh thì đài điện không có. Đêm nào không vướng việc, tôi
đọc sách cho mọi người tập trung kín trong nhà ngoài sân nghe cùng…
Những bộ "Thủy Hử", "Tam quốc chí", "Liêu trai" sờn rách sém mồ hôi
tay và muội thuốc lá trên giá sách.
Chứa đựng một hồn thơ tự nhiên và phóng khoáng mà sống trong không
gian khép kín làng quê Bắc bộ, Cầm Giang còn cách gì hơn là dồn yêu
thương vào người thân, vào học trò vào bà con lối xóm, vào thuốc lá và
những ván cờ tướng thâu đêm. Học trò giỏi thì thầy bỏ tiền riêng mua giấy
bút thưởng. Chữa bệnh thì chỉ lấy công không tính lãi thuốc.
Ông bạn già Tất Ứng liếc nhanh sang tôi như khoe mẽ, trước khi hỏi
Cầm Giang:
- Này cuốn tiểu thuyết tôi nhờ ông đưa cho Nguyễn Đình Thi đọc giùm
đã có phản hồi gì chưa?
Cầm Giang im lặng hồi lâu:
- Ba tháng trước, ông Thi và ông Diệu có ghé qua đây. Nhưng thú thực,
tiểu thuyết của cậu chưa ổn, tôi không dám đưa sợ mất thì giờ người ta…
Đận đó tôi hy vọng Cầm Giang tiếp đoạn kết về vũ nữ xòe Cầm Bạch
Thiêm, người đẹp khởi nguồn cảm hứng miền thơ Tây Bắc. Nhưng phần vì
tôi ngất ngư say, phần vì Cầm Giang không hào hứng hồi cố chuyện cũ.
Vâng, cuộc đời làm thi nhân đã là nỗi đau bất tận, vậy nhớ lại vết thương
lòng sâu xa thì mấy ai có gan. Cầm Giang cũng không là ngoại lệ chăng?
Rồi, nhờ một người bạn ở Sơn La, tôi có thể thêm vào một vĩ thanh. Vũ
nữ xòe Cầm Bạch Thiêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết hôn với
một sĩ quan tham mưu cấp trung đoàn. Nhưng viên sĩ quan hào hoa người
Hà Nội đã sớm hy sinh. Miền Bắc giải phóng, Cầm Bạch Thiêm theo họ
hàng di cư vào Nam. Mãi đến khi đất nước thống nhất, nghe đâu bà đơn lẻ
trở về Tây Bắc ở với người cháu họ...