- Ừ, thì thế...
Dạo ấy sau Hiệp định Genève chộn rộn, người Hà Nội kéo xuống Hải
Phòng và từ Hải Phòng lại có người trẩy ngược Hà Nội chờ Chính phủ về
tiếp quản Thủ đô. Từ chợ Đồng Xuân sang Hàng Đường, Hàng Ngang,
Hàng Đào qua hồ Hoàn Kiếm, người quen chen người lạ...
Chợ trời mở giữa phố Bà Triệu, Gia Long. Người ở lại mua đồ của người
sắp di cư sẵn sàng bán tống những thứ không thể mang theo. Bầu đoàn thê
tử nhà văn Sao Mai lai kinh tá túc trong Nhà thờ Tin Lành phố Lý Thái Tổ.
Vợ chồng Băng Sơn - Mai Phương ngụ buồng bên cạnh...
Còn Vân Long, thành viên nhóm văn nghệ sĩ trẻ Hà Nội lập đoàn kịch
nhạc Tháng Mười chuẩn bị chào đón ngày Giải phóng Thủ đô cũng mượn
Nhà thờ Tin Lành làm sàn tập. Hâm mộ tài năng Sao Mai qua tiểu thuyết
"Nhìn xuống", giờ lại nghe phong thanh nhà văn đang viết ký sự Trại di cư
Pa-gốt Hải Phòng, Vân Long đã cậy Băng Sơn dẫn mình sang chào bậc đàn
anh, người mình mến mộ.
Sao Mai xoay chén rượu:
- ...Vân Long in bài thơ đầu tiên trên tờ Giác Ngộ... Trẻ nhưng thích gặp
gỡ các bậc cao tuổi, âu cũng là thái độ cầu học. Thời đó có mình, có thi sĩ
Hoàng Công Khanh, người đang cùng Phan Tại dựng kịch thơ "Bến Nước
Ngũ Bồ" mà Hoàng là tác giả. Còn những vị có sự cách bức nhất định như
Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng… thì ông lảng, mặc dầu gần đám đang nắm
mấy đầu báo này, dễ có bài được in! Với mình, Vân Long thích trò chuyện
hơn vì tính xuề xòa của mình, đặc biệt là chuyện về các văn nghệ sĩ vùng
kháng chiến khu III, nơi khi mới tản cư rời Hà Nội, Vân Long từng học ở
đấy…
Nhớ thu năm đó, nóng tợn... mình cởi trần ngồi viết thì nghe tiếng gõ cửa
chững chạc. Theo phản xạ nhao ra... thấy gã hàng xóm Băng Sơn niềm nở:
Anh ạ... bạn... em hâm mộ văn chương anh, muốn ghé thăm anh liệu lúc
này có tiện không ạ? Mình nhận ra một chàng thanh niên, nho nhã, áo trắng