hội đó, con đường nghiên cứu khoa học, nghệ thuật không vụ lợi vì một
mục đích cao cả, là một con đường đầy gian nan, trở ngại. Thế mà, chàng
thanh niên Raphaël lại không có đầy đủ nghị lực và quyết tâm để theo đuổi
đến cùng chí hướng của mình. Chẳng bao lâu, anh chán ngán với cuộc sống
nghèo nàn, trơ trọi trên gác xép của anh, anh muốn tìm một con đường
thành công dễ dàng và một cuộc sống đầy đủ hưởng lạc trong xã hội thượng
lưu. Và một bữa, gặp tay bạn cũ là de Rastignac rủ rê lôi kéo, anh từ bỏ mọi
ước vọng cao cả để lăn mình vào cuộc sống ăn chơi phóng đãng; anh tìm
cách len lỏi vào xã hội thượng lưu hào nhoáng; chạy theo những thú vui
trụy lạc: anh say mê cô gái Foedora kiều diễm nhưng phù phiếm, đỏm dáng
mà vị kỷ, không tâm hồn, thiếu một trái tim.
Nếu giữa Raphaël de Valentin và xã hội đương thời có mâu thuẫn tạo
nên tấn bi kịch về số phận của người thanh niên thì trái lại, những nhân vật
như de Rastignac, Foedora hay như gã tư sản Taillefer... lại chính là hiện
thân của cái xã hội đó...
Thật ra, de Rastignac cũng là một thanh niên quý tộc nghèo như
Raphaël, và trước kia, khi còn là sinh viên mới ở tỉnh nhỏ lên Paris trọ học,
anh ta cũng từng mang trong đầu một lý tưởng cao cả và có một tâm hồn
trong trắng thanh cao[1]. Nhưng rồi, do ảnh hưởng của xã hội quý tộc tư
sản Paris, hắn đã trở thành một công tử Paris ăn chơi sành sỏi mất hết tư
cách đạo đức với "chủ nghĩa phóng đãng" mà hắn muốn truyền thụ cho
Raphaël. Rastignac thật sự là con đẻ của xã hội tư sản, là "nhân vật anh
hùng" của nó. Hắn trắng trợn, tính toán, mưu thành công và địa vị trong xã
hội bằng cái giá khá đắt là sự sa đọa hoàn toàn về đạo đức và tâm hồn. Ở
một cuốn tiểu thuyết khác về sau của Balzac[2], hắn đã leo lên tới ghế
thượng thư trong chính quyền tư sản và qua cả pho Tấn trò đời mà hắn là
một nhân vật trung tâm và xuất hiện nhiều lần, trong hình tượng de
Rastignac, Balzac đã khái quát rõ ràng và đầy đủ cái chủ nghĩa vị kỷ và
hãnh tiến tư sản.